Những ngày gần đây, TP. Hồ Chí Minh phải đối mặt với tình trạng mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường dâng cao, gây ngập lụt nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường.
Theo ghi nhận, hàng loạt khu vực bị ngập sâu, đặc biệt là thành phố Thủ Đức, quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.
Ngập nước kèm kẹt xe trên đường Phạm Hùng, quận 8. (Ảnh: Lê Phan) |
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đang tiếp tục tăng nhanh, khiến nhiều khu vực ngập nặng.
Một trong những điểm ngập lụt điển hình là tuyến đường Trần Xuân Soạn (quận 7), nằm ngay sát kênh Tẻ. Nơi đây, mỗi lần triều cường dâng, nước ngập lên đến nửa bánh xe máy, thậm chí có lúc đến gần đầu gối. Nhiều người dân bày tỏ lo ngại về tình trạng này.
Một trong những điểm ngập lụt điển hình là tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7 - (Ảnh: CTV) |
Nhà dân bị nước tràn vào tại quận 7 - (Ảnh: An Biên) |
Chị Thúy Hằng (cư dân quận 7), chia sẻ về khó khăn khi phải di chuyển qua khu vực ngập lụt: “Chiều là nước dâng lên, xe máy tôi nhiều lần bị hỏng vì ngập nước. Mỗi lần phải sửa xe vừa tốn kém vừa mất thời gian. Có lần tôi chứng kiến một người đi xe máy bị trượt ngã, thật may chỉ bị thương nhẹ nhưng lần nào thấy nước dâng cả khu đều lo lắng”.
Bên cạnh đó, nhiều người gặp phải nguy hiểm khi di chuyển trên đường ngập. Nước che khuất các hố ga và nắp cống, tạo thành những cái bẫy vô cùng nguy hiểm. Chị Mai Anh (nhân viên văn phòng, quận 1), chia sẻ về một trải nghiệm đáng nhớ: “Một lần tôi đi qua đoạn ngập thì xe bị lọt vào hố ga, ngã xuống nước. Cũng may có người giúp, nhưng sau đó tôi rất lo lắng mỗi lần phải đi qua những đoạn ngập vào giờ tan tầm.”
Đường Nguyễn Gia Trí - D2, quận Bình Thạnh, thường xuyên bị ngập sau khi cơn mưa lớn kéo dài -(Ảnh: CTV) |
Tình trạng ngập lụt không chỉ ảnh hưởng đến giao thông mà còn gây thiệt hại lớn cho hoạt động kinh doanh. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa liên tục để dọn dẹp. Chị Quỳnh Nhi, chủ tiệm tạp hóa nhỏ tại quận 8, kể lại: “Triều cường những ngày qua gây ngập vào nhà khiến hàng hóa bị ướt, nhiều sản phẩm bị hư hỏng, đồ điện cũng bị ngập gây thiệt hại không nhỏ về tài sản”.
Với những hộ gia đình có thu nhập thấp, sống trong những khu trọ chật hẹp, tình trạng này càng khiến cuộc sống thêm khó khăn. Chị Kim Hương (công nhân may tại huyện Nhà Bè), tâm sự: “Phòng trọ chật, khi nước ngập thì đồ đạc hư hỏng, sức khỏe của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Đường vào khu trọ ngập sâu khiến việc đi làm trở nên khó khăn, xe chết máy liên tục".
Khu "nhà giàu" tại đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2 cũng thất thủ do mưa lớn và triều cường. (Ảnh: Minh Quân) |
Trước tình hình ngập lụt kéo dài, các cơ quan chức năng tại TP. Hồ Chí Minh đang cố gắng phối hợp để giảm thiểu thiệt hại. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ đã tăng cường phát hành các bản tin cảnh báo về triều cường, giúp cơ quan chức năng điều chỉnh giao thông và cập nhật tình hình các khu vực ngập.
Trong thời gian tới, dự báo triều cường kết hợp mưa lớn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp đến cuối năm. Vì vậy, việc phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong việc đưa ra cảnh báo kịp thời và điều chỉnh giao thông sẽ giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, thời tiết TP. Hồ Chí Minh hôm nay 19/10, từ sáng đến trưa có nắng gián đoạn, mây đan xen. Chiều tối tiếp tục có mưa dông, mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao có thể gây ngập úng một số tuyến đường vùng trũng thấp tại quận 7, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè. Nhiệt độ dao động trong khoảng 29-32 độ C, độ ẩm tương đối phổ biến 83%, mật độ mây 90%. Dự báo chỉ số UV: Các quận, huyện của đều có chỉ số UV ở ngưỡng có nguy cơ gây hại mức trung bình. |