Ảnh minh họa |
Được biết, trong năm 2014, một quỹ đầu tư mạo hiểm ngoại đã không ngại ngần chi 2,1 tỷ đồng mua 1.112 cổ phiếu của Vexere.com, tương ứng 1.900.000 đồng/cổ phiếu, sang năm 2015 chi tiếp 8,54 tỷ đồng mua thêm 2.222 cổ phiếu Vexere.com, tương ứng 3.841.000 đồng/cổ phiếu. Hoặc, 1.916.359 đồng/cổ phiếu là giá bán cao ngất ngưởng của Công ty CP đầu tư và phát triển đào tạo E.D.H - công ty sở hữu 99,9% cổ phần của Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica. Đó là những mức giá mà các đại gia trên sàn như FPT, Vinamilk, Viettel, Hòa Phát… mơ cũng chẳng thấy.
Chưa hết, trong năm 2015, Quỹ đầu tư CyberAgent của Nhật Bản đã thoái một phần vốn khỏi Foody.vn với mức giá xấp xỉ 300.000 đồng/cổ phiếu và mua vào cổ phiếu của websosanh.vn với giá 284.000 đồng/cổ phiếu.
Năm 2016 có một số thương vụ đình đám: Quỹ đầu tư SCPE chi 25 triệu USD mua 20% cổ phần của Momo với giá 358.400 đồng/cổ phiếu. VNG - doanh nghiệp game online - chào bán thành công lượng cổ phiếu có tổng mệnh giá 2,9 tỷ đồng thu về hơn 194 tỷ đồng, tương ứng giá phát hành 666.000 đồng/cổ phiếu...
Đáng chú ý, vốn điều lệ của các startup Việt Nam siêu nhỏ, chỉ từ vài ba tỷ đến chục tỷ đồng, chẳng hạn Vexere.com chỉ có 133 triệu đồng hay E.D.H chỉ có 2,5 tỷ đồng... Vậy vì sao các startup có thể bán cổ phiếu với giá gấp vài chục lần mệnh giá?
Câu trả lời đơn giản: Thực chất đây chính là một phương thức đầu tư “nhìn xa trông rộng” của các quỹ đầu tư mạo hiểm vào startup. Dĩ nhiên, để thuyết phục các quỹ đầu tư “trông giỏ bỏ thóc”, các startup phải có tương lai sáng sủa.
Startup Việt hãy cứ ra đời và lên sàn, chứng tỏ mình - tại sao không?