Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, thông tin về kết quả kiểm tra việc tiêu thụ điện, ghi công tơ là những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua và được các phóng viên đề cập tại được buổi họp báo.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong các tháng 5,6 và nửa đầu tháng 7/2020, thời tiết nắng nóng cả nước, đặc biệt đợt nóng ở Bắc bộ và Trung bộ vừa qua là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua, nhiệt độ trung bình cả nước cao hơn 1-1,5 độ C so với năm 2019. Do vậy đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện và tiền điện của nhiều hộ dân tăng cao do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh.
Họp báo Chính phủ thường kỳ |
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đã có hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020. Đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu hộ có số mức tiêu thụ điện tăng 50%, có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 300% so với tháng 4 trước đó. Trong tháng 6/2020 số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng từ 30% trở lên là 7,63 triệu khách hàng so với cả tháng 5/2020.
“Tỷ lệ tăng cao nhất ở Hà Nội, miền Bắc và miền Trung do yếu tố nắng nóng. Số khách hàng theo các mức tăng đều cao hơn của cả tháng 5/2020”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.
Cũng trong thời gian qua đã có nhiều thắc mắc của các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt về hóa đơn tiền điện tăng cao. Qua kiểm tra, rà soát tình hình thực tế, Bộ Công Thương đề ra 5 giải pháp. Một là chỉ đạo EVN, các tổng công ty điện lực thuộc EVN nâng cao công tác dịch vụ khách hàng. Một trong những nguyên nhân gây ra thắc mắc của nhân dân nêu trên các phương tiện truyền thông là do những sai sót trong ghi chỉ số tiêu thụ điện, lập hóa đơn tiền điện, do vậy Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo, đôn đốc EVN, các tổng công ty điện lực trực thuộc nâng cao công tác dịch vụ khách hàng với các giải pháp chính: Kịp thời xử lý ý kiến thắc mắc của khách hàng về hóa đơn tiền điện nêu trên các báo, đài phát thanh, đài truyền hình; định kỳ tiến hành cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí theo quy định; thực hiện gửi thông báo tiền điện, hóa đơn tiền điện qua email/zalo và phần mềm chăm sóc khách hàng; tăng cường, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra và giải quyết các vụ việc về áp giá bán lẻ điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà ở theo Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trả lời về phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt |
Hai là, triển khai thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử. Để khắc phục những sai sót trong ghi chỉ số tiêu thụ điện, Bộ Công Thương chủ trương sẽ đẩy mạnh việc thay thế số công tơ cơ khí hiện nay sang công tơ điện tử, thực hiện việc đo đếm từ xa và tự động. Phấn đấu đến năm 2025 các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và địa bàn quản lý của Tổng công ty Điện lực miền Trung sẽ được thay thế sang 100% công tơ điện tử, Tổng công ty Điện lực miền Bắc và miền Nam sẽ thay thế 100% công tơ điện tử ở các thị trấn, thị xã, còn các khu vực khác là 50%.
Ba là, sửa đổi, cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. Triển khai nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã triển khai nghiên cứu, xây dựng 5 phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện và lấy ý kiến các bộ, ngành, đoàn đại biểu Quốc hội và các hiệp hội.
Trong quá trình sửa đổi biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương chủ trương bám sát với các chỉ đạo tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị là “không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vung, miền; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các loại quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp”
Bộ Công Thương đang hoàn thiện các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Trong tháng 7 và 8/2020. Bộ Công Thương sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các khách hàng sử dụng điện, các Bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý III/2020.
Các nội dung đề xuất, sửa đổi, cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt chính như sau: Về biểu giá điện sinh hoạt sẽ giảm số bậc thàng giá điện sinh hoạt từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, trong đó sẽ nâng mức bậc 1 lên tới 100kWh thành bậc 1. Điều chỉnh các bậc thang từ 201 - 400kWh thành 1 bậc; bổ sung giá điện trên 700kWh/ tháng cho phù hợp với thực tế sử dụng điện của người dân. Giá bán lẻ bình quân các hộ sinh hoạt sau khi điều chỉnh bằng so với mức giá đang áp dụng tại Quyết định 648/QĐ-BCT.
Bộ Công Thương cũng sẽ đề xuất cho khách hàng được quyền lựa chọn giá bán lẻ điện cho sinh hoạt chỉ có một mức giá, không áp dụng bậc thang.
Về khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch và doanh nghiệp dịch vụ logistics, sẽ điều chỉnh giá điện áp dụng ngang bằng với giá điện sản xuất.
Bốn là Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các giải pháp bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho năm 2020.
Năm là đẩy mạnh công tác truyền thông với việc tăng cường phối hợp với các đn vị báo chí, truyền hình, đăng, tọa đàm trả lời phỏng vấn các thông tin về giá điện và các thông tin về ngành điện một cách minh bạch và công khai.