Nhanh chóng đưa công dân còn mắc kẹt ở nước ngoài về nước ngay trong dịp Tết |
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao cung cấp, đầu tháng 12/2021, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các cơ quan chức năng trong và ngoài nước đã tổ chức hơn 800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.
Đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Thế nhưng, không ít kẻ vô lương tâm đã kiếm tiền trên nỗi đau khổ, cùng cực của đồng bào. Tiến sĩ Lương Hoài Nam, một chuyên gia hàng không kể: “Bạn tôi vừa về từ Mỹ với giá 170 triệu, trước đó lên đến 240 triệu đồng. Trong khi thời điểm tháng 3 - 4/2020, chuyến bay Vietnam Airlines giải cứu từ châu Âu về chỉ mất 1.200 USD; từ Mỹ, Canada là 1.600 USD và sau đó đưa về cách ly tại các cơ sở quân đội”.
So sánh chênh lệch giữa giá bay giải cứu của Vietnam Airlines, tiến sĩ Lương Hoài Nam đánh giá, số tiền để công dân Việt hồi hương đã tăng lên 3-4-5-6 lần. Đó là giá gói “combo về nước” mà khách hàng trả cho đại lý.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 20/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng là tất cả hành vi trục lợi, tiêu cực và làm thay đổi mục đích nhân đạo của các chuyến bay phải bị lên án và chịu sự trừng phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”. Dư luận đồng tình và hoan nghênh các cơ quan pháp luật, trực tiếp là cơ quan điều tra ngành công an đã vào cuộc khẩn trương, xử lý nghiêm minh sự việc trên.
Ngày 27/1/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “nhận hối lộ” để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Đồng thời, Cơ quan An ninh điều tra đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam cùng về tội “nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự và Lệnh khám xét đối với 4 bị can gồm: Bà Nguyễn Thị Hương Lan (SN 1974, quê quán Hà Nội), Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; ông Đỗ Hoàng Tùng (SN 1980, trú Hà Nội), Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; ông Lê Tuấn Anh (SN 1982, quê quán Hưng Yên), Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; ông Lưu Tuấn Dũng (SN 1987, trú Hà Nội), Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Cơ quan An ninh khởi tố và bắt tạm giam bà Mơ |
Việc Cơ quan An ninh khởi tố và bắt tạm giam bà Mơ lần này được xem là một trong những nút thắt quan trọng trong vụ án đưa, nhận hối lộ khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Sau đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an còn có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cung cấp danh sách chi tiết chuyến bay “giải cứu” công dân về nước để phục vụ điều tra vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay “giải cứu” (không trả phí) và chuyến bay “combo” (có trả phí) đưa công dân Việt Nam về nước bắt đầu từ thời điểm nào? Căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ GTVT xét, duyệt cấp chuyến bay và các quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay “combo”, “giải cứu” như thế nào? Bộ Công an còn đề nghị cung cấp danh sách cá nhân tại Bộ GTVT làm nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện bay “combo”, “giải cứu”.
Sau đó, cho dù Bộ GTVT khẳng định không được giao trách nhiệm phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức chuyến bay “combo”, “giải cứu”… nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi về trách nhiệm rất lớn của bộ này. Bộ GTVT với vai trò là cơ quan phối hợp chịu trách nhiệm chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam cấp phép bay theo kế hoạch được Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao phê duyệt.
Bộ GTVT khẳng định không được giao trách nhiệm trong việc tổng hợp nhu cầu, phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay giải cứu, chuyến bay “combo” và đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức chuyến bay sớm nhất để đáp ứng nguyện vọng được về nước của người dân… Vậy thì trách nhiệm tiếp theo của các bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo… cần được làm rõ như thế nào?
Bộ GTVT đã có thông cáo về việc phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo đề nghị của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an. Theo Bộ GTVT, ngay sau khi nhận được đề nghị của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tổng hợp và báo cáo các thông tin, tài liệu theo yêu cầu. Các “chuyến bay giải cứu” dành cho hành khách có hoàn cảnh đặc biệt theo thứ tự ưu tiên như “Lao động hết hạn hợp đồng, mất việc, không còn thu nhập mà nước sở tại không có điều kiện hỗ trợ; học sinh dưới 18 tuổi; sinh viên đã hoàn thành khóa học gặp khó khăn về nơi ở/gia hạn lưu trú; doanh nhân, trí thức, công dân xuất cảnh ngắn hạn bị “mắc kẹt” vì Covid-19, gặp khó khăn do không có nơi ở, không còn khả năng tài chính; người trên 60 tuổi mắc bệnh lý nền; khách du lịch, thăm thân nhân, công tác, khám chữa bệnh, hết hạn visa và bị mắc kẹt”... Tổng hợp, phê duyệt các danh sách này chắc chắn sẽ còn liên quan đến nhiều lực lượng.
Việc Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra vụ án trên khiến dư luận đồng tình ủng hộ, vững tin vào quyết tâm chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bên cạnh đó, dư luận cũng mong rằng các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ vai trò trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phối hợp với Bộ GTVT xét, duyệt cấp chuyến bay và các quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay combo, “giải cứu”.