CôngThương - Giá và giao dịch đều giảm
Giá nhà ở tại các thành phố lớn của Trung Quốc đang giảm mạnh. Rosealea Yao, chuyên viên phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Dragonomics, cho biết giá bất động sản tại 9 thành phố lớn mà cô theo dõi tại thời điểm tháng 4/2011 đã giảm 4,9% so với cùng kỳ; trong năm ngoái giá bất động sản ở 9 thành phố này tăng 21,5% và năm 2009 tăng khoảng 10%. Trên cả nước Trung Quốc, số liệu của công ty tư vấn về bất động sản Soufun có trụ sở ở Bắc Kinh cho thấy, nhu cầu mua nhà đất của người dân đang teo lại, giá nhà đất bình quân trong tháng 5/2011 chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ, thấp hơn rất nhiều so với đà tăng phi mã trong các năm 2009-2010.
Ngân hàng Standard Chartered thì phỏng đoán, tại các thành phố loại hai như Đại Liên, Thiên Tân… lượng nhà đất “tồn kho” vào cuối năm nay sẽ đủ cho 20 tháng kinh doanh, gây sức ép đáng kể lên giá cả. Ngân hàng này dự báo giá nhà sẽ giảm từ 10% đến 20% ở nhiều thành phố. Không chỉ giá nhà giảm mà lượng nhà bán ra cũng đang giảm. Tại Thượng Hải, theo Trung tâm giao dịch bất động sản Thượng Hải, số căn hộ bán ra trong tháng 4/2011 giảm 37%, chỉ còn 11.000 căn so với 17.500 căn hồi tháng 1/2011.
Ở 9 thành phố mà cô Rosealea Yao của Dragonomics theo dõi, từ đầu năm 2011 đến nay khối lượng nhà đất bán ra giảm một nửa, chỉ có giá thuê nhà tăng lên. Ở Bắc Kinh, ông Zhang Kai, nhân viên môi giới của công ty Home Link, cho biết từ tháng 2, số nhà bán đã giảm một nửa và tiền thuê một căn hộ cỡ nhỏ đã tăng từ 2.500 nhân dân tệ (7,7 triệu đồng Việt Nam) mỗi tháng trong tháng 5 lên 3.000 nhân dân tệ (9,2 triệu đồng Việt Nam) trong tháng 6.
Kinh doanh ế ẩm đã buộc tập đoàn Hồng Kông Midland Realty phải đóng cửa 8 trong 9 cao ốc văn phòng của mình tại Thượng Hải. Xu Feng, Giám đốc Trung tâm phát triển của Midland tại Thẩm Quyến, than thở: “Chính sách của chính phủ hạn chế mua nhà đã tác động mạnh đến cả hoạt động mua và bán, khiến cho giao dịch bị đóng băng”.
“Nền kinh tế do nhà cửa dẫn dắt”
Jonathan Anderson, nhà kinh tế của Ngân hàng UBS, nhận xét Trung Quốc là “nền kinh tế do nhà cửa dẫn dắt” và ngành xây dựng nhà cửa đóng góp tới 13% vào tổng sản lượng quốc gia năm 2010, gấp đôi so với tỷ trọng những năm 1990. Tất cả những điều đó đã làm giá nhà đất ở Trung Quốc tăng liên tục và mạnh mẽ nhiều năm qua. Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc Guo Shuqing nhận định: “Theo một cách nào đó, giá bất động sản thật sự điên rồ”.
Đối mặt với nỗi bất mãn đang lan rộng của của người dân vì không thể mua nổi nhà để ở, chính quyền Trung Quốc tìm mọi cách để hãm bớt đà tăng giá bất động sản. Nhưng vấn đề là ở chỗ, họ có thể làm cho giá cả giảm xuống từ từ để không tác động xấu đến đà tăng trưởng kinh tế hay không? Từ đầu năm 2010, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp chống đầu cơ bất động sản, chẳng hạn như tăng tỷ lệ thanh toán trước để mua căn nhà thứ hai từ 40% lên 60% giá trị ngôi nhà, cấm các công ty quốc doanh ngoài lĩnh vực địa ốc đầu tư vào bất động sản và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại 11 lần nhằm hạn chế nguồn vốn tín dụng đổ vào bất động sản.
Tuy mang lại một số kết quả như giá nhà đất đã bắt đầu giảm, nhưng những biện pháp đó xem ra vẫn chưa đủ hiệu lực. Thứ Tư tuần trước, Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng bong bóng bất động sản là rủi ro lớn nhất về kinh tế mà Trung Quốc phải đối mặt. Ardo Hansson, nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới tại Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc nên xem xét tăng lãi suất lên cao hơn để kiềm chế đà tăng giá tiêu dùng, ngăn ngừa bong bóng bất động sản và các tài sản khác. Ông Hansson nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực bất động sản đối với nền kinh tế, đặc biệt là đối với các ngành sắt thép và xi-măng.
Tác động đối với Trung Quốc và thế giới
Một phần do sự suy giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc mà giá của nhiều loại kim loại chủ yếu dùng trong xây dựng đã bắt đầu dịu đi. Giá đồng giao ngay, sau khi tăng tới 34% trong khoảng thời gian từ tháng 6/2010 đến tháng 3/2011, đã giảm 5%, hiện đang ở mức 69.000 nhân dân tệ (200 triệu đồng) mỗi tấn. Từ tháng 2/2011 đến nay, nhiều nhà sản xuất thép lớn đã liên tục hạ giá bán sản phẩm.
Trên thị trường thế giới, sự giảm giá bất động sản ở Trung Quốc cũng có những tác động đáng kể. Do sự phục hồi kinh tế của Mỹ còn khá mong manh và châu Âu vẫn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ nần, kinh tế toàn cầu giờ đây phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc để thỏa mãn các nhu cầu về hàng tiêu dùng, từ nguyên liệu đến hàng xa xỉ phẩm. Nếu thị trường nhà đất Trung Quốc xì bong bóng nhanh hơn dự báo, các nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó. Nhiều nước Mỹ Latinh và châu Phi đã điều chỉnh trọng tâm kinh tế sang việc đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của kinh tế Trung Quốc, nhiều tập đoàn phương Tây, kể cả các nhà bán lẻ và nhà hàng ăn uống của Mỹ, đang dựa vào người tiêu dùng Trung Quốc để bù cho việc kinh doanh trì trệ ở các nơi khác. Những nền kinh tế và doanh nghiệp này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy trầm của thị trường bất động sản Trung Quốc.
Sự suy giảm của thị trường nhà đất Trung Quốc xảy ra vào lúc có những bằng chứng rằng tăng trưởng kinh tế của nước này đang chậm lại. Các cuộc khảo sát chỉ số nhà cung cấp (PMI) thực hiện trong tuần trước cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp cũng đã chậm lại, quý 1/2011 chỉ tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Goldman Sachs đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong quý 2/2010 từ 8,8% xuống 8% do chính phủ nước này siết chặt tín dụng để chống lạm phát và nhu cầu nhập khẩu của Mỹ suy yếu.
Tuy nhiên theo bà Vương Đào, nhà kinh tế của Ngân hàng UBS, sự suy giảm giá nhà đất ở Trung Quốc chỉ là tạm thời vì nhà đầu tư của nước này có rất ít lựa chọn, họ sẽ tiếp tục đổ tiền vào bất động sản và các chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đẩy giá đất lên. Bà Vương dự đoán giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong khoảng từ 3 đến 5 năm nữa vì một sự suy giảm đột ngột có thể làm phá sản nhiều nhà đầu tư, ngân hàng, công ty xây dựng và làm rúng động nhiều lĩnh vực kinh tế khác.