CôngThương - Nước Mỹ có thể sẽ phải đương đầu với nhiều năm giảm phát và tăng trưởng chậm chứ không phải siêu lạm phát. Lý do căn bản là siêu lạm phát thường bắt nguồn từ chính sách hạ giá đồng nội tệ. Chính sách tiền tệ của nước Mỹ bị kiểm soát bởi nhu cầu của các ngân hàng chứ không phải công chúng. Các ngân hàng Mỹ không hề muốn siêu lạm phát xảy ra vì thế nước Mỹ sẽ không đương đầu với siêu lạm phát.
Việc nước Mỹ không đương đầu với siêu lạm phát không không đồng nghĩa với việc thế giới không phải đối đầu với vấn đề này.
Tại những nước mà chính trị gia hay nhóm quyền lợi nào khác kiểm soát chính sách tiền tệ, siêu lạm phát vẫn là khả năng có thật. Có thể nói đến một nước mà lạm phát hiện đã vượt tầm kiểm soát là Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn đưa ra nhiều biện pháp để kiềm chế lạm phát nhưng nhiều trong số đó thực chất được đưa ra để che giấu lạm phát.
Biện pháp kiểm soát giá cả? Không giải quyết được vấn đề lạm phát. Nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc? Sẽ phát huy tác dụng nếu ngân hàng không còn nguồn tài chính nào khác, biện pháp này cũng chẳng có tác dụng gì. Hạ giá cả xuống thấp? Chỉ khiến người ta càng điên lên tích trữ càng nhiều càng tốt và như vậy giá lại tăng nhanh hơn. Nâng lãi suất cơ bản? Có hiệu quả tại Mỹ nhưng không nhiều tác dụng tại Trung Quốc.
Có lẽ không nhiều người hiểu chính phủ Trung Quốc thực ra không kiềm chế lạm phát như FED.
Khi FED muốn ngăn lạm phát tăng cao, FED bán trái phiếu chính phủ Mỹ. Động thái này giảm lượng tiền mặt trong hệ thống và gây ảnh hưởng gián tiếp khiến lãi suất tăng lên.
Trung Quốc đặt ra tỷ lệ lãi suất mà ngân hàng có thể áp dụng. Hành động này không giảm đi lượng tiền đang lưu thông. Nó thực chất như một biện pháp kiểm soát giá cả bóp méo nền kinh tế hơn nữa bởi chẳng giảm được lượng tiền dư thừa.
Lạm phát tại Trung Quốc không phải bắt nguồn từ lãi suất thấp, cũng không phải hoạt động đầu cơ quá mức. Nó có nguyên nhân do cung tiền không ngừng tăng bất chấp Chính phủ Trung Quốc tuyên bố thế nào về kiềm chế lạm phát.
Chính sách khiến cung tiền tăng không ngừng chính là neo tỷ giá đồng nhân dân tệ. Thế giới coi Trung Quốc như “nam châm” hút tiền, tập trung chủ yếu vào xuất khẩu và đầu tư. Thông thường, trong hoàn cảnh đó, đồng nội tệ sẽ lên giá so với đồng ngoại tệ.
Thế nhưng để giữ được tỷ giá cố định, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mua nhiều đôla và euro và thay đồng nhân dân tệ vào đó. Chính phủ như vậy thực chất đang tăng cung tiền. Và khi quá trình này tiếp diễn, lạm phát tại Trung Quốc sẽ vẫn leo thang.
Chính phủ Trung Quốc sẽ chưa sớm chấm dứt hành động theo cách này. Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu đến nỗi nó có thể sụp đổ nếu chế độ neo tỷ giá được bỏ đi.
Nếu “bong bóng” bất động sản “xì hơi”, bất ổn xã hội sẽ lên rất cao, đặc biệt khi người dân nhận ra nhiều quan chứcTrung Quốc đã giàu lên vô lý như thế nào từ bong bóng này. Hơn thế nữa, dự trữ ngoại hối Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm, Trung Quốc mất đi tầm ảnh hưởng và uy tín.
Tóm lại, Trung Quốc khác rất nhiều với Mỹ. Chính trị gia chứ không phải các chuyên gia ngân hàng kiểm soát cung tiền. Quyền lợi của họ gắn liền với lạm phát. Cũng không khó hiểu khi nhu cầu vàng tại Trung Quốc tăng vọt trong năm nay.