Trung Quốc sẵn sàng cho viễn cảnh 'chiến tranh thương mại' sau khi ông Donald Trump đắc cử
Khi ông /chu-de/donald-trump.topic lần đầu phát động một cuộc “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc vào năm 2018, nhiều chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh đã liên tục ở trong thế bị động và không chắc chắn. Nhưng trong bối cảnh ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, câu chuyện có thể sẽ khác.
Ông Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một sự kiện tại Bắc Kinh vào năm 2017. Ảnh: AP |
Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, một mức thuế mà theo tờ Bloomberg sẽ “tàn phá thương mại giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới”. Cũng theo trang báo này, việc ông Trump tiếp tục các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ tiên tiến của Tổng thống đương nhiệm Biden sẽ có tác động vô cùng lớn.
Còn nhớ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc bằng một thỏa thuận được ký vào tháng 1/2020, trong đó bao gồm một cam kết của Trung Quốc về việc mua 200 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Thế nhưng, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã nhanh chóng làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nước, và kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chưa thể trở về mức trước đại dịch.
“Tuy nhiên, kể từ đó, Trung Quốc đã có các bước đi chiến lược để đảm bảo rằng, họ có khả năng phục hồi tốt hơn và có vị thế tốt hơn để đáp trả”, tờ Bloomberg nhận định. Trang báo này cũng dẫn lời ông Zhou Bo, một thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh và Chiến lược Quốc tế của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), khẳng định: "Về mặt tâm lý, Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hơn nhiều để "đối phó" với ông Trump một lần nữa”.
Theo Bloomberg, điểm mấu chốt trong kế hoạch đối phó của Trung Quốc là những “chiến lược” mới, bao gồm kiểm soát xuất khẩu đối với các nguyên liệu thô quan trọng, đồng thời áp thuế quan đối với hàng hóa nông nghiệp và các công ty chủ chốt của Hoa Kỳ.
Trong đó, quan trọng nhất là kiểm soát hàng xuất khẩu, một “chiến lược” mà Mỹ đã từng sử dụng để chống lại Trung Quốc. Năm ngoái, Bắc Kinh đã hạn chế xuất khẩu gali và germani, hai kim loại được sử dụng rộng rãi trong ngành sản xuất chip, thiết bị truyền thông và quốc phòng. Trung Quốc cũng có thể tìm cách áp đặt lệnh hạn chế đối với các nguyên liệu thô quan trọng đối với các ngành công nghiệp chiến lược của Mỹ, chẳng hạn như antimon, được sử dụng trong một số thiết bị bán dẫn.
Trung Quốc cũng đã phát triển một quy trình chính thức để “trừng phạt” các công ty từ Mỹ. Vào tháng 9 vừa qua, các nhà chức trách Trung Quốc cho biết nước này sẽ bắt đầu điều tra PVH Corp., công ty mẹ của các hãng thời trang nổi tiếng Tommy Hilfiger và Calvin Klein, do không sử dụng bông nhập khẩu từ vùng Tân Cương Nhĩ, sau hạn chế thướng mại của Mỹ. Theo Financial Times, Bắc Kinh cũng đã ra lệnh trừng phạt một công ty sản xuất máy bay không người lái của Mỹ vì cung cấp cho Đài Loan, ngăn chặn công ty này mua các bộ phận tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc có thể lại chính là hàng nông sản xuất khẩu từ Mỹ. Kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Brazil đã củng cố vị thế là nhà cung cấp đậu nành lớn nhất cho Trung Quốc, và hiện cũng là nguồn nhập khẩu ngô lớn nhất của nước này. Trên thực tế, vào năm 2016, Mỹ cung cấp hơn 40% lượng đậu nành nhập khẩu vào Trung Quốc, nhưng con số này đã giảm xuống còn dưới 18% trong chín tháng đầu năm 2024.
Nền kinh tế chậm lại của Trung Quốc cũng mang lại cho Bắc Kinh nhiều “lợi thế” bất ngờ, vì nhu cầu về thịt lợn, cũng như về ngô và đậu nành để nuôi lợn, đã giảm mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể ít phụ thuộc hơn vào hàng nhập khẩu, và dễ dàng chuyển giao hoạt động mua hàng từ Mỹ sang các quốc gia khác.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn muốn tránh một cuộc chiến thuế quan mới, được dự đoán là có thể gây ra hậu quả tàn khốc hơn nhiều so với lần trước. Kể từ sau đại dịch, Trung Quốc đã dựa vào việc xuất khẩu hàng hóa sang phương Tây, như xe điện và pin, để vực dậy nền kinh tế, vốn đang bị ảnh hưởng bởi áp lực giảm phát và khủng hoảng bất động sản. Các nhà lập pháp Trung Quốc dự kiến cũng sẽ họp trong tuần này để xây dựng các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Về phần mình, ông Donald Trump cũng từng nói rằng, ông sẽ cởi mở với cơ hội đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Chia sẻ với tờ Bloomberg, ông Henry Wang Huiyao, nhà sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Bắc Kinh) khẳng định: “Điều này có khả năng tạo thành cơ sở cho một số thỏa thuận giữa hai quốc gia, nhằm tránh một cuộc chiến tranh thương mại mới.”
"Ông Trump là một chính trị gia “rất thực tế”, tập trung vào việc giải quyết các vấn đề cụ thể. Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu về xe điện và công nghệ xanh, đây là một cơ hội to lớn mà các công ty Trung Quốc có thể "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", ông Huiyao nói thêm.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, Trung Quốc vẫn đang phải “hy vọng vào điều tốt nhất và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”. Quốc gia này cũng sẽ không có nhiều lựa chọn nếu ông Trump muốn giữ vững “lời hứa” của mình với cử tri, cho dù chính sách thuế quan của ông có thể sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ.
Giáo sư Tu Xinquan tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế tại Bắc Kinh, cho biết: “Chúng tôi đã nói rất nhiều về những gì Trung Quốc có thể làm để chuẩn bị cho kịch bản này, nhưng cuối cùng thì có quá nhiều điều không thể đoán trước được. Chúng tôi chỉ có thể giải quyết vấn đề một khi nó xảy ra”.