Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu chỉ đạo |
Cùng tham dự buổi lễ còn có Phó bí thư thường trực, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương Ngô Quang Dương; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam Trần Quang Nghị; Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Viết Trường và tập thể Ban giám hiệu, giáo viên, học sinh nhà trường.
Ngày 04/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trên cơ sở tổ chức lại Trường Cao đẳng Công nghiệp-Dệt May thời trang Hà Nội,
Bộ trưởng trao Quyết định thành lập trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội |
Theo đó, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động theo mô hình trường đại học tự chủ, thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đổi mới đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017.
Tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng nhà trường - phát biểu: 2015-2016 là năm học nhà trường hoạt động trong điều kiện có nhiều thuận lợi đan xen nhiều khó khăn và thách thức. Đây là năm học đầu tiên hoạt động theo mô hình trường đại học, là năm học mà ngành dệt may Việt Nam khởi động nhiều dự án lớn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để chuẩn bị cho hội nhập AEC, TPP và FTA.
Trong bối cảnh đó, Trường đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ đào tạo trọng tâm như tập trung mở ngành, tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học của 3 ngành cốt lõi cho ngành dệt may là công nghệ sợi dệt, công nghệ may, quảng trị kinh doanh chuyên ngành dệt may. Duy trì quy mô tuyển sinh là 2.500 sinh viên chính quy; trong đó bậc đại học là 500. Tiếp tục tuyển sinh vào đào tạo 1.000 cán bộ kỹ thuật, chuyền trưởng, tổ trưởng sản xuất theo hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp.
Trong phát biểu tại lễ khai giảng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ghi nhận và biểu dương các thành tích Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã đạt được trong suốt 48 năm qua và đánh giá cao sự chỉ đạo, giúp đỡ của Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho sự phát triển của nhà trường. Bộ trưởng chỉ đạo trong công tác đào tạo, trường cần chú trọng tập trung đào tạo nguồn nhân lực sợi, dệt, nhuộm, may, thiết kế thời trang công nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo kết hợp với sản xuất nhằm nâng cao kỹ năng của sinh viên, gắn chất lượng đào tạo với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp và tăng cường hơn nữa khả năng tự chủ tài chính của trường bằng nhiều giải pháp đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai.