Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung: Đa dạng ngành nghề theo nhu cầu thị trường
Nhận diện thách thức
Nền kinh tế số đòi hỏi nguồn nhân lực cần có trình độ cao hơn về lĩnh vực hoạt động. Bắt kịp với sự thay đổi của công nghệ 4.0 ngành giáo dục cũng đã có những bước chuyển mình, thích ứng trên mọi khâu trong quá trình tuyển sinh, đào tạo. Từ khâu tuyển sinh, nhà trường đã sử dụng các phần mềm công nghệ để thí sinh được đăng ký thuận lợi. Trong quá trình học, sinh viên được tiếp cận môi trường học tập với trang thiết bị máy móc hiện đại, sát với trình độ công nghệ và điều kiện sản xuất tại doanh nghiệp.
Sinh viên được tiếp cận môi trường học tập với trang thiết bị máy móc hiện đại |
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung đã gặp không ít những khó khăn và thách thức cho công tác đổi mới của nhà trường.
Trong năm học 2021-2022, nhà trường đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch, vận dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp nên tuyệt đại đa số các môn học đã kết thúc đúng tiến độ đào tạo, hoàn thành mục tiêu kép đã đề ra.
Bước sang năm học 2022-2023, nhà trường vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố bên ngoài và bên trong tác động như chủ trương tự chủ về tài chính, cùng với đó là công tác tuyển sinh đang diễn ra với sự cạnh tranh quyết liệt…
Mở rộng hợp tác
Nhận diện rõ những thách thức trên, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế số, Ban Lãnh đạo nhà trường xác định, cùng với việc mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước thì công tác xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo cũng đồng thời phải được thực hiện.
Phòng thực hành nhà trường |
NGND.TS Nguyễn Đức Trí – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung - cho biết: Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp, nhà trường đã xây dựng lại chương trình đào tạo của 8 ngành. Cải tiến chương trình đào tạo theo hướng đổi mới khung chương trình, chi tiết các học phần, bổ sung các học phần mới, đặc biệt là các kỹ năng mềm. Nhà trường cũng nghiên cứu tham khảo về mục tiêu chương trình đào tạo, khối lượng học tập, cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo của các trường đại học trong nước và quốc tế, để từ đó đề xuất các ý kiến tham khảo chuyên gia và việc điều tra, khảo sát thu thập thông tin từ các bên liên quan.
“Điều này giúp nhà trường xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động” - TS. Nguyễn Đức Trí chia sẻ.
Nhờ đó, các hoạt động đào tạo, tuyển sinh của Trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung đã thích nghi kịp thời với sự biến đổi của tình hình, nhất là khi dịch Covid bùng phát trở lại, nhà trường vẫn đảm bảo tiến độ đào tạo.
Đặc biệt, nhà trường đã thiết lập quan hệ hợp tác với các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, số lượng trường có thỏa thuận hợp tác với nhà trường tăng dần theo hàng năm. Bên cạnh đó, nhà trường còn xây dựng được mạng lưới liên kết với các trường cao đẳng, đại học trong Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, duy trì mạng lưới liên kết với các hiệp hội, tập đoàn, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Chúng tôi đã bước đầu phối hợp được với các trường đại học nước ngoài trong việc hỗ trợ các khoa ngành xây dựng các chương trình đào tạo mới. Nhà trường cũng đã xây dựng được cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp tại khu vực Sơn Tây và Thạch Thất để tạo điều kiện cho sinh viên làm việc bán thời gian” - TS. Nguyễn Đức Trí - Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm.
Với quan điểm “Sinh viên là của chung - sinh viên là sản phẩm của một quá trình đào tạo”, trong năm học 2021-2022, nhà trường đã sắp xếp lại các bộ môn theo hướng chuyên môn hóa và phân công quản lý chi tiết các học phần.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục đào tạo K46 (tuyển sinh năm 2022) nhằm mục đích đổi mới các hoạt động giáo dục đào tạo để “thực hiện cam kết giữa nhà trường với xã hội”.
Kết quả là 100% các khoa tiến hành triển khai thành công “Hội nghị hợp tác với các doanh nghiệp”; xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức Hội thảo “Giáo dục mở, linh hoạt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tình hình dịch Covid-19” với thành phần là các trường trong “Câu lạc bộ các trường đại học – cao đẳng Bộ Công Thương”, Hiệp hội các trường đại học – cao đẳng Việt Nam; xây dựng và triển khai kế hoạch đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng “Mở và linh hoạt” và triển khai thành công hội thảo khoa học về "Giáo dục mở, linh hoạt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0" …
Cũng theo lãnh đạo nhà trường, trường đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho sinh viên thông qua các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp như: Tổ chức thành công chương trình workshop kiến tập online tại Nhà máy Ajinomoto; phối hợp với Công ty CP giáo dục quốc tế JIS tổ chức thành công Hội thảo Du học và việc làm tại Nhật Bản; phối hợp với Công ty IIG và JIS hỗ trợ sinh viên năm cuối tìm việc làm tại Nhật Bản...
Đặc biệt, nhà trường đã ký kết văn bản hợp tác toàn diện với Trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp (CBAM) về việc phối hợp "đào tạo nghề kép" tại Đức các ngành kỹ thuật công nghệ; cung cấp nhân lực làm việc, định cư lâu dài tại Đức và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bằng tốt nghiệp có giá trị quốc tế.
Thời gian tới, Trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung xác định, tiếp tục phải nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc ứng dụng các phương pháp giảng dạy sử dụng nhiều yếu tố công nghệ hơn; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức các hội thảo khoa học của trường; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác đào tạo theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, trường học thông minh.
Trong thời gian tới, khi cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 tiếp tục được phủ rộng và phát triển hơn nữa thì việc đào tạo nguồn nhân lực trong đội ngũ giảng viên, nhân viên trong nhà trường tiếp tục được chú trọng, nhằm đạt được hiệu quả trong hoạt động đào tạo, mang lại cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng, trình độ đáp ứng yêu cầu của xã hội. |