Không dễ “siết” thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử |
Tuy nhiên, 15 ngày sau khi Thông tư trên được ban hành, Tổng cục Thuế mới cùng VECOM tổ chức cuộc họp đầu tiên trao đổi về các quy định của Thông tư cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp của đại diện các sàn giao dịch TMĐT và các bên liên quan về việc triển khai thực hiện Thông tư này.
Thông tư 40/2021 hiệu lực ngay từ 1/8 sẽ gây áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch TMĐT |
Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Ngọc Dũng- Phó chủ tịch VECOM cho hay, đây là lần đầu tiên Hiệp hội và các hội viên được tiếp cận tới Thông tư này. Thông tư 40/2021/TT-BTC được ban hành có nhiều nội dung mới so với bản dự thảo đăng tải đầu tiên ngày 12-3-2021 nhưng Ban soạn thảo chưa tổ chức lấy ý kiến của các bên liên quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Do đó, một số quy định trong Thông tư chưa có tính khả thi cao và có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn TMĐT cũng như hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh trên sàn.
Đại diện các sàn TMĐT cũng nêu ý kiến, sàn giao dịch TMĐT không phải là đơn vị “trả thu nhập” mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định tại khoản 1, Điều 24 của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Trong các trách nhiệm của sàn TMĐT theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, không có trách nhiệm phải kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán. Nghị định 52 cũng nêu rõ người bán trên sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm “thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”.
Một trong những nội dung trong dự thảo Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 52 coi các mạng xã hội cung cấp dịch vụ bán hàng là sàn TMĐT, như vậy nếu theo Thông tư 40/2021/TT-BTC các mạng xã hội kể cả của các nhà cung cấp nước ngoài cũng phải kê khai và nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh.
Các sàn TMĐT cũng nêu kiến nghị về việc khó khăn khi kê khai thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn khi họ có thể là cá nhân ở các địa phương khác nhau trên toàn quốc khi tham gia kinh doanh trên sàn. Theo Điều 45 Luật Quản lý thuế, cá nhân kinh doanh sẽ phải kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế nơi họ đặt địa điểm kinh doanh. Trong khi đó, các sàn TMĐT có thể có địa điểm kinh doanh ở tỉnh khác (thường là Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh).
“Vậy, việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai thay và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn sẽ dẫn đến mâu thuẫn với quy định hiện hành trong trường hợp cá nhân kinh doanh có trụ sở tại tỉnh khác. Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các sàn TMĐT và cá nhân kinh doanh trong việc chứng minh với cơ quan thuế về số thuế đã khấu trừ, nộp thay với cơ quan thuế tại địa phương”- VECOM nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, về lộ trình dự kiến triển khai, theo Thông tư là từ ngày 1/8 tới đây, như vậy là quá vội vàng, không đủ thời gian để sàn TMĐT có thể kịp chuẩn bị hệ thống cho việc thu thập dữ liệu và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của VECOM, Lãnh đạo Tổng cục Thuế đang giao các bộ phận liên quan rà soát lộ trình, lên kế hoạch hỗ trợ triển khai thử nghiệm tại một số sàn TMĐT, trong trường hợp cần thiết sẽ có điều chỉnh phù hợp.