Còn nhiều dư địa cho sự sáng tạo về sản phẩm du lịch Tỉnh Quảng Ninh: Dự kiến đưa vào hoạt động nhiều sản phẩm du lịch mới trước năm 2024 |
Một câu chuyện về sản phẩm du lịch hiện được bàn tán xôn xao mạng xã hội.
Ở Việt Nam ai cũng biết con ngựa vàng mã là một vật phẩm chỉ có mặt trong các nghi thức tâm linh.
Nhưng trong số hàng triệu du khách nước ngoài đến Việt Nam thời gian qua, có người không nghĩ như vậy.
Con ngựa vàng mã này là một thứ trong đống vật phẩm lưu niệm mà kiến trúc sư, blogger 44 tuổi người Mexico, Arnaud Zein el Din dự định mang về từ Việt Nam sau chuyến du ngoạn của anh.
Nó đã theo anh từ một cửa hàng vàng mã ở huyện Đông Anh, Hà Nội cho đến khi phải chia tay anh tại cửa máy bay. Mặc dù không có quy định rõ ràng nào về những đồ vàng mã không được mang lên máy bay, nhân viên hãng bay có quyền từ chối những vật phẩm được đưa lên máy bay.
Và Arnaud Zein el Din không còn cách nào khác là phải chia tay con ngựa vàng mã này.
Arnaud Zein el Din và hiện vật anh yêu thích phải bỏ lại ở sân bay |
Arnaud Zein el Din cho biết thêm bản thân đã nhận hàng trăm tin nhắn trong số đó có người từ Việt Nam, đề nghị tặng anh một con ngựa vàng mã mới và anh rất cảm động về điều này sau khi phải bỏ lại con ngựa vàng mã anh đã mua vì quá yêu thích, đặc biệt là cái lối thiết kế của nó.
Cũng như ở Việt Nam, tại quê hương anh bên kia địa cầu, cũng có nhiều vật phẩm tương tự về người quá cố.
Arnaud cho biết anh rất đam mê văn hóa Việt Nam và tận hưởng khoảng thời gian sinh sống giống người bản địa nhất trong ba tuần ở Hà Nội.
Câu chuyện này có thể không quá bất ngờ với nhiều người trong số chúng ta.
Cái bất ngờ là còn có nhiều, rất nhiều người nước ngoài yêu văn hoá Việt Nam, yêu từ truyền thống văn hoá phi vật thể đến văn hoá vật thể để sẵn sàng trải nghiệm, sẵn sàng móc túi cho những trải nghiệm, cho những hiện vật được yêu thích.
Cứ mỗi lần đi qua chỗ rào chắn tàu hoả ngã ba Trần Phú – Lý Nam Đế ở Hà Nội chứng kiến đám đông du khách nước ngoài ngày cũng như tối cố check-in bằng được cái địa điểm này, lại vọt lên điều rằng, giá mà Hà Nội suy nghĩ, đầu tư để có thêm địa điểm check-in hút được khách như thế thì thật tốt. Nhất là khi Hà Nội đã gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu.
Một câu hỏi nữa được đặt ra là liệu những điểm check-in mà chúng ta dự định rằng du khách đến, sẽ có bao nhiêu phần trăm thu hút đông du khách?
Trở lại câu chuyện của du khách Arnaud Zein el Din người Mexico. Câu chuyện này lại một lần nữa cho thấy sản phẩm vật thể du lịch của Việt Nam còn đang rất nhiều khoảng trống.
Đó cũng còn là một khoảng trống của công nghiệp văn hoá của Việt Nam.
Lấp được một khoàng trống như thế phải chăng là để du khách nước ngoài khi rời Việt Nam không chỉ mang theo những tấm hình, những clip lưu lại khoảnh khắc mà còn là những vật thể ghi chỉ dấu cho một nền văn hoá không chỉ có chiều sâu truyền thống mà còn chứa đựng cả chiều rộng cho hội nhập.