75 năm Thi đua ái quốc: Khen đúng người, thưởng công minh Bác Hồ - tấm gương vĩ đại, cao đẹp nhất của phong trào thi đua yêu nước |
Ngày 11/6/1948, giữa bộn bề công việc của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trên cả nước. 75 năm qua, những tư tưởng, quan điểm của Người về thi đua ái quốc vẫn vẹn nguyên giá trị và tinh thần thời đại, khởi nguồn và tạo động lực cho...
Sức lan tỏa trường tồn từ lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: "… mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công".
Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị, nhân kỷ niệm 1000 ngày kháng chiến (Ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945), ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trên cả nước. Người chỉ rõ: Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá. Người kêu gọi: Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4, ngày 30/12/1966 (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh) |
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước đã được các cấp, các ngành, các đoàn thể phát động với những phong trào thiết thực, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Trên tiền tuyến, các chiến sĩ thi đua chiến đấu lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi để vừa diệt “giặc đói”, diệt “giặc dốt” và diệt “giặc ngoại xâm”. Các phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong", "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần", "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt",... đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ và hành động cách mạng thiết thực, góp phần đưa các cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy nhanh khôi phục sản xuất, kiến thiết lại nước nhà, nhiều phong trào thi đua đã được tổ chức với tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Các phong trào thi đua tập trung vào thúc đẩy phát triển sản xuất, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.
Bước vào thời kỳ đổi mới, bên cạnh những cơ hội, điều kiện thuận lợi là những khó khăn, thách thức đặt ra. Quá trình chuyển đổi mô hình quản lý, mô hình xã hội từ tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, đã góp phần giải phóng sức sản xuất, sức lao động, tạo những xung lực mới để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh quá trình đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, nhiều phong trào thi đua trong lao động, sản xuất cũng đã được phát động, gắn liền với bối cảnh, tình hình và những yêu cầu mới của thời đại.
Trong những năm gần đây, chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" đã được các ngành, các cấp hưởng ứng tích cực, bằng nhiều phong trào thi đua cụ thể, liên tục, thiết thực, có tác động lan toả rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, góp phần huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là các phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Thi đua quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc"; "Dạy tốt, học tốt"; "Dân vận khéo"; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19", đặc biệt là 3 phong trào thi đua trọng tâm: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau",...
Cùng với các phong trào thi đua chung, được tổ chức rộng khắp trên phạm vi cả nước, các bộ ngành, địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã tổ chức các phong trào thi đua với nhiều cách làm hay, sáng tạo, gắn liền với đặc trưng, tính chất công việc ngành nghề, như: Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả hoạt động công đoàn” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Phong trào thi đua “Phụ nữ vun đắp giá trị tốt đẹp gia đình” và “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Phong trào thi đua với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh Việt Nam…
Qua các phong trào thi đua đã góp phần khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến, những con người mới xã hội chủ nghĩa. Đó là những em nhỏ, những người nông dân ở những vùng quê còn nhiều khó khăn nhưng không ngừng sáng tạo, vươn lên; là những cán bộ, công chức tận tụy, liêm chính, hết lòng hết sức vì công việc chung, vì lợi ích của nhân dân, đất nước; là những doanh nhân với khát vọng “sải cánh vươn cao”, vì một Việt Nam hùng cường... Qua những phong trào cụ thể, các cấp các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện bình xét các danh hiệu thi đua, tặng nhiều bằng khen, giấy khen, cờ thi đua để kịp thời ghi nhận, động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Từ năm 2017 đến năm 2022, Đảng, Nhà nước ta đã tặng thưởng “07 Huân chương Sao Vàng; 30 Huân chương Hồ Chí Minh, 5930 Huân chương Độc lập các hạng, 13.862 Huân chương lao động các hạng, 295 Huân chương Quân công, 15.055 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 24.939 Huân chương Chiến công, 48 Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, 30 Huân chương Dũng cảm, 793 Huân chương Hữu nghị, 418 Huy chương Hữu nghị, 235.593 Huy chương Chiến sỹ vẻ vang, 75. 167 Huy chương Quân kỳ quyết thắng, 14.156 Huy chương Vì An ninh Tổ quốc, 56 Anh hùng Lao động, 310 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 19 Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, 919 Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, 116 Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, 1698 Danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, 84 Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 307 Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, 136 Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, 1.205 Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, 71 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 157 Giải thưởng Nhà nước, 38.261 Bằng khen Thủ tướng, 6.268 Cờ Thi đua của Chính phủ, 330 Danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc. 4679 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 38.261, 8.412 Kỷ niệm chương tù đày 3699 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, 1901 Huy chương kháng chiến chống Mỹ, 34 Huân chương kháng chiến chống Pháp, 176 Huy chương kháng chiến chống Pháp”.
Thi đua vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên mới
Kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước thực hiện sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đời sống mới, Đảng, Nhà nước ta đã vận dụng tư tưởng, quan điểm của Người một cách linh hoạt, sáng tạo vào trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể nhằm khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và khát vọng sáng tạo, cống hiến của người dân Việt Nam.
Các phong trào thi đua yêu nước đã tạo động lực to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội (ảnh minh họa, nguồn: tapchitaichinh.vn) |
Nhận thức sâu sắc về vai trò của thi đua đối với công cuộc xây dựng, chấn hưng và phát triển đất nước, trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng, về tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đã được ban hành và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đất nước trong tình hình mới, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, như: Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 3/6/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) Về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) Về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng...
Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng, Nhà nước cũng đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách, pháp luật quan trọng, tạo cơ sở, điều kiện thuận lợi cho các phong trào thi đua yêu nước, như: Luật Thi đua, khen thưởng (2003); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (2013); Luật Thi đua khen thưởng (2022); Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng...
Qua thực tiễn các phong trào thi đua, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực và khắp mọi miền của Tổ quốc: Đó là, những tấm gương lao động điển hình trên các công trình xây dựng, trong các nhà máy, đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng như trên các mặt trận văn hoá, khoa học, y tế, giáo dục,… Xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tài năng, sáng tạo, có đạo đức kinh doanh, chấp hành pháp luật, làm lợi cho đất nước… Trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng, hải quan, kiểm lâm sẵn sàng hy sinh trên mặt trận phòng, chống tội phạm, lâm tặc, buôn lậu…
Trong bối cảnh hiện nay, để tạo động lực và sức đột phá mới đảm bảo quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần thi đua ái quốc trong các cơ quan, đơn vị và trong mỗi cá nhân.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra định hướng phát triển đất nước với mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Gắn với chặng đường đó là những dấu mốc quan trọng như: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để hiện thực mục tiêu đó, từ chủ đề Đại hội XIII đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược, đều nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng là: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.
Phát triển trong bối cảnh mới, bên cạnh những cơ hội, điều kiện thuận lợi là những khó khăn, thách thức. Để vượt qua những trở ngại, tận dụng những lợi thế sẵn có và những vận hội mới trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, việc khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cần được đẩy mạnh, tăng cường thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động cụ thể để mỗi người dân Việt Nam ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của cá nhân, không ngừng sáng tạo, cống hiến, ra sức thi đua làm nhiều việc tốt, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.