Công nghiệp chế biến, chế tạo: Thu hút hơn 252 tỷ USD vốn ngoại Công nghiệp chế biến, chế tạo: Vì sao hút vốn FDI? |
Doanh nghiệp FDI lấn át
Trên thực tế, công nghiệp chế biến, chế tạo đã chứng minh được tầm quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Sự thành công của hàng loạt các quốc gia như: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… sau quá trình công nghiệp hóa, trở thành nước có thu nhập cao cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo là con đường phát triển, là chìa khóa để tạo nên sự thịnh vượng.
Việt Nam với một nền kinh tế quy mô 100 triệu dân, muốn độc lập, tự chủ, thịnh vượng, tất yếu phải có một ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển lớn mạnh. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra mục tiêu, phấn đấu giai đoạn 2021-2025, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP lên mức trên 25%. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế có thể thấy, việc phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo là thách thức rất lớn hiện nay.
Theo Bộ Công Thương, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP của Việt Nam đã tăng từ 13,4% năm 2016 lên khoảng 16,58% năm 2020, nhưng còn xa mới đạt tiêu chí của các nước phát triển. Tại Trung Quốc, hàng chục năm qua ngành này đã đóng góp từ 25-27% GDP; Hàn Quốc trên 25%; Nhật Bản trên 20%. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng tương tự, Việt Nam kém xa Thái Lan với 25,3%; Malaysia 21,5%... Đấy là chưa kể, các nước phát triển như Hàn Quốc; Nhật Bản... đã dịch chuyển các cơ sở sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo ra nước ngoài, nên đóng góp thực sự còn lớn hơn rất nhiều.
Không những thế, cơ cấu của công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế như: tính gia công, lắp ráp lớn, công nghiệp hỗ trợ được đề cập từ lâu, nhưng phát triển rất chậm, nhiều chỉ tiêu của công nghiệp chế biến, chế tạo còn thấp...
Hiện nay, cả nước có khoảng 122.000 DN chế biến chế tạo, chiếm 15,4% tổng số DN đang hoạt động. Tuy nhiên, chủ yếu là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi chiếm tới 63% về doanh thu thuần và 61,3% về lao động. Một số lĩnh vực như điện tử, ô tô, xe máy, da và các sản phẩm da… hầu hết do khu vực FDI thống trị. Trong một số lĩnh vực mà DN tư nhân Việt Nam có lợi thế như may mặc thì DN FDI cũng chiếm tới 56%. Như vậy có thể thấy, DN FDI đang lấn át trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Thách thức lớn
Với DN FDI, phần lớn đầu tư vào công nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam lại tập trung vào các nhóm thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, chi phí nhân công và giá năng lượng thấp cũng như chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn là những lý do chính để đầu tư vào Việt Nam. Rất ít DN FDI cho rằng, tay nghề lao động cao hay chuỗi cung ứng trong nước có đủ năng lực cạnh tranh là thế mạnh của Việt Nam.
Khu vực tư nhân Việt Nam tham gia trong ngành chế biến chế tạo không chỉ chiếm tỷ lệ thấp mà còn chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi, chủ yếu tham gia vào các công đoạn có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, chưa phát triển được thương hiệu.
Việc phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam là thách thức lớn hiện nay. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo Tổng điều tra kinh tế năm 2021, giai đoạn 2016-2020, DN thành lập mới tại Việt Nam, chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Bình quân một DN tư nhân chỉ thu hút được 13 lao động, với vốn đầu tư 43,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn liếng chỉ tập trung chủ yếu ở 3% số DN tư nhân lớn, còn DN nhỏ và vừa có quy mô vốn chỉ từ 10-12 tỷ đồng.
Khoảng 97% số DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh là DN nhỏ và vừa, trong đó tuyệt đại đa số là DN tư nhân. Trong số DN nhỏ và vừa thì 50% có doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm; khoảng 13% có doanh thu từ 3 đến 10 tỷ đồng/năm. Số DN có doanh thu trên 300 tỷ đồng/năm chưa đến 1%. Sử dụng lao động ít, quy mô vốn nhỏ, doanh thu thấp, nên đại đa số DN tư nhân rất hạn chế trong việc thu hút nhân lực có tay nghề, trình độ; khó huy động tài chính; thiếu vốn đầu tư vào công nghệ, thiết bị, máy móc... Vì vậy, các DN tư nhân chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Ngay cả những DN tư nhân lớn tham gia trong lĩnh vực chế biến chế tạo, cũng không xuất sắc. Theo Báo cáo 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE 500), do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia công bố, cho thấy, trong tổng số 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam thuộc 18 ngành thì có tới 266 DN thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm 53,2%, một con số khá cao. Tuy nhiên, xem xét cụ thể thì thấy, 266 DN chế biến chế tạo, tập trung chủ yếu vào một số ngành thuộc nhóm thâm dụng vốn như: vật liệu xây dựng và khoáng phi kim loại khác (28 DN); sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa (18 DN); sản xuất kim loại (30 DN). Bên cạnh đó là nhóm thâm dụng lao động như: may mặc (23 DN); chế biến thực phẩm, đồ uống (có 90 DN), trong đó chủ yếu là chế biến thủy sản cho xuất khẩu.
Như vậy có thể thấy các DN chế biến chế tạo thuộc VPE 500 chủ yếu tập trung vào khai thác những lĩnh vực có lợi thế về nguyên liệu, hoặc thị trường. Đáng chú ý, thứ hạng của các DN chế biến chế tạo xếp trong danh mục không cao so với các nhóm ngành khác. Chỉ có khoảng 21 DN chế biến chế tạo lọt Top 50, trong khi có tới 156 DN xếp thứ hạng từ 300 trở đi. Còn trong Top 10 chỉ có 3 DN, trong khi ngành thương mại có tới 4 DN.
Mục tiêu tăng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP lên mức trên 25% trong giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ nặng nề. Bởi không chỉ tăng về sự đóng góp mà còn phải gắn với sự tham gia mạnh mẽ của lực lượng DN tư nhân trong nước, chứ không phải chỉ dựa vào mỗi DN FDI. Lúc này, phải dựa vào khối kinh tế tư nhân, song các DN tư nhân quá nhỏ bé, yếu thế và không có động lực, vì vậy, việc phát triển công nghiệp chế biến chế tạo là rất thách thức.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những quốc gia sập “bẫy thu nhập trung bình” thường có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo kém phát triển, kém đa dạng với năng suất lao động thấp và một thị trường lao động ảm đạm (thiếu nhân lực có tay nghề, có trình độ cao). Việt Nam hiện đang hội đủ cả 3 yếu tố này.
Chờ doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, Việt Nam còn xa mới 'hóa rồng' |
Muốn trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao, phải dựa vào khả năng tự lực, tự cường của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tuy nhiên, nhìn vào Việt Nam thì thấy một đội ngũ doanh nghiệp tư nhân rất nhỏ bé và yếu thế.