Làm mới để phát triển du lịch
Những ngày qua, Lễ hội Thành Tuyên đang là từ khóa hot được nhiều người tìm kiếm, Lễ hội Thành Tuyên được xác định là sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang, sản phẩm mang thương hiệu quốc gia và hướng tới quốc tế. Năm nay là năm thứ 20, người dân tỉnh Tuyên Quang duy trì và phát triển Lễ hội Thành Tuyên. Điểm mới năm nay là Lễ hội được tổ chức với quy mô quốc tế với nhiều hoạt động đặc sắc như: Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trình diễn 6 di sản của Việt Nam; Đêm hội Thành Tuyên; Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Tuyên Quang năm 2024; chương trình “Điện ảnh với xứ Tuyên”; hội chợ thương mại - du lịch tỉnh Tuyên Quang; chương trình “Trưng bày, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt” và Lễ hội bia Hà Nội…
Đường phố TP. Tuyên Quang lung linh sắc màu thu hút hàng nghìn lượt du lịch mỗi tối trước, trong và sau Lễ hội Thành Tuyên |
Mỗi năm một đổi mới, Tết Trung thu Tuyên Quang thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm; tổng doanh thu xã hội đạt trên 200 tỷ đồng. Cũng như Lễ hội Thành Tuyên, ngay từ đầu năm, để chuẩn bị cho các sự kiện trong năm, địa phương luôn chủ động đón đầu dòng khách, sẵn sàng tạo ra những trải nghiệm tốt hơn cho khách du lịch, nhiều sản phẩm du lịch mới đã được các đơn vị, địa phương giới thiệu để du khách có thêm nhiều lựa chọn.
Trong mùa lễ hội năm trước, riêng trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh từ 01-04/9/2023, theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang, địa phương đã thu hút khoảng 120.000 lượt du khách; tổng thu du lịch đạt gần 96 tỷ đồng, công suất sử dụng tại các cơ sở lưu trú đạt 80%.
Để phát huy kết quả của những mùa lễ hội trước, góp phần tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách cho địa phương, TP. Tuyên Quang đã xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn hoá “Văn minh - Thân thiện - Sạch đẹp” trong Lễ hội Thành Tuyên năm 2024. Dự báo, năm 2024, Lễ hội Thành Tuyên sẽ có đông đảo du khách với số lượng lớn bởi năm nay có rất nhiều mô hình lồng đèn đẹp rực rỡ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang - cho biết, ngay từ đầu năm, mở màn tổ chức Năm Du lịch với nhiều hoạt động như: Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất, Lễ hội Hương sắc Na Hang với chủ đề “Lung linh huyền thoại hồ trên núi”, đua thuyền Kayak mở rộng, Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn; triển khai mô hình đón khách du lịch ngắm cảnh, trải nghiệm theo mùa như: Lễ hội hoa lê, mùa vàng Hồng Thái, hoa cải vàng, tuyến đường hoa lê dài nhất (huyện Na Hang), du lịch mới “Về nơi hát Then” với dịch vụ du thuyền cao cấp. Đặc biệt, còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề Tuyên Quang năm 2024; ra mắt sản phẩm du lịch đặc trưng với chủ đề “Khoáng nóng Mỹ Lâm - Suối nguồn kỳ diệu”…
Tại Khu du lịch Tân Trào, Ban Quản lý các khu du lịch triển khai hiệu quả sản phẩm du lịch “Bơi mảng nghe hát Then trên hồ Nà Nưa”, các điểm check-in cặp đàn tính khổng lồ và Cầu hoa Khuôn Pén, trải nghiệm du lịch tại quần thể Flamingo Tân Trào… Từ khi có các hoạt động phụ trợ này, du lịch về nguồn ở Tân Trào không đơn điệu, mà phong phú, hấp dẫn hơn. Du khách có nhiều lưu trú lâu hơn để trải nghiệm các dịch vụ.
Nhờ những chính sách kích cầu du lịch hợp lý, trong 8 tháng năm 2024 lượng khách du lịch đến với Tuyên Quang đạt con số đầy ấn tượng. Đó là gần 2 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt gần 300 tỷ đồng, đạt trên 66% kế hoạch năm.
Tận dụng cơ hội
Tuyên Quang là địa phương hội tụ đủ các thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch: Lịch sử - văn hóa, tâm linh - lễ hội, sinh thái - nghỉ dưỡng. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào với những điểm di tích: Lán Nà Nưa, đình Tân Trào, hang Bòng...; Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình là nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng đã trở thành "địa chỉ đỏ" trong công tác giáo dục truyền thống, là địa điểm thăm quan hấp dẫn của nhân dân trên mọi miền đất nước; là điểm đến trong hành trình thăm quan, nghiên cứu của khách quốc tế.
Dịp tết Trung thu hàng năm, tỉnh Tuyên Quang đã nâng lên thành Lễ hội Thành Tuyên. Đây là cơ hội tốt để địa phương kích cầu du lịch. |
Ông Lê Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết, ngành đã triển khai phối hợp công ty lữ hành đưa Tuyên Quang từ “điểm dừng” trở thành “điểm đến” trong hành trình tour du lịch. Chương trình hợp tác du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”, gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên đã trở thành thông lệ, “điểm hẹn” của nhiều du khách.
Năm nay, trong khuôn khổ Lễ hội Thành Tuyên, sẽ tổ chức chương trình Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với chủ đề “Tinh hoa hội tụ và tỏa sáng” là sự tham gia, trình diễn các di sản văn hóa của Việt Nam và nước ngoài đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Địa phương đã chủ động liên kết, ký kết hợp tác phát triển du lịch với các đơn vị tại Vĩnh Phúc, Hà Nội để xây dựng tour du lịch “Thủ đô Văn hiến - Thủ đô Kháng chiến”, tour du lịch Hà Nội - Tam Đảo - Tây Thiên (Vĩnh Phúc) - Sơn Dương - Tân Trào (Tuyên Quang), tour Chiến khu Ngọc Thanh - Tam Đảo - Tây Thiên - Tân Trào - ATK Định Hóa. Đồng thời, hàng năm, tham gia kết nối du lịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc tổ chức gian trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch của các địa phương thu hút hàng chục nghìn du khách tham quan.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch, Tuyên Quang đã triển khai hợp tác với tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), tham gia các gian hàng giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, dự án xúc tiến kêu gọi thu hút đầu tư về du lịch, thương mại, công nghiệp tại huyện Malipho, Châu Vân Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thu hút đông đảo nhà đầu tư tìm hiểu, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch phát triển.
Các địa phương trong tỉnh đều có trang thông tin điện tử, facebook, tiktok, youtube… để đăng tải ảnh, video quảng bá du lịch. Từ những bức hình, thước phim, bài viết hay thông tin được “like”, “share”, các địa điểm dịch vụ du lịch đã được biết đến rộng rãi hơn. Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Thượng Lâm (Lâm Bình) - chia sẻ: "Nhận thấy phát triển du lịch trên nền tảng mạng xã hội là cơ hội để xây dựng hình ảnh, thông tin đến du khách, HTX đã thiết lập trang fanpage Homestay Tài Ngào, chủ động đầu tư vào hệ thống quảng bá trên mạng xã hội. Qua đó, đã tạo ra được sự tương tác rất lớn giữa HTX và khách hàng".
Tiên phong trong hoạt động du lịch có bà Chẩu Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Cô Sơn Nữ ở Phường Xuân Xuân, TP. Tuyên Quang. Công ty đã xây dựng fanpage Cô Sơn Nữ Travel trên mạng xã hội facebook, hiện có trên 14 nghìn lượt người theo dõi, fanpage đã ghi lại các hoạt động trải nghiệm của du khách trên lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, chèo thuyền, dịch vụ ẩm thực, giao lưu văn hóa, tạo ấn tượng và tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp về sản phẩm du lịch.
Với nhiều cách làm mới, chính sách mới, du lịch Tuyên Quang không chỉ đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách cả nước mà còn tạo nên sức hấp dẫn để níu chân du khách. Điều đó cho thấy sự nỗ lực của địa phương trong việc không ngừng làm mới để du lịch ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch.