Lâm Đồng: Phát triển hạ tầng thương mại - liên kết cung cầu hàng hóa Hà Nội: Gỡ nút thắt về nguồn vốn trong đầu tư xây dựng chợ dân sinh |
Theo thống kê của Sở Công Thương Tuyên Quang, hiện trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 5 siêu thị, hơn 10.000 cửa hàng tạp hóa.
Một góc chợ Tam Cờ, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang |
Nhằm thu hút đầu tư một cách hiệu quả cho hạ tầng thương mại, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện hàng loạt các giải pháp, cơ chế chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào xây dựng hạ tầng thương mại, thông qua việc ưu tiên dùng quỹ đất để quy hoạch và khuyến khích, huy động các nguồn vốn xã hội hóa. Qua đó, đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào phát triển hạ tầng thương mại của tỉnh. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng gia tăng theo hướng hiện đại hóa.
Cùng với sự phát triển của các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống 99 chợ truyền thống trải dài trên địa bàn 7 huyện, thành phố cũng từng bước được đầu tư, nâng cấp và chuyển đổi mô hình quản lý phù hợp.
Đa số chợ được xây dựng kiên cố, bán kiên cố và được quy hoạch xây dựng gần tuyến đường bộ kết nối với xã, khu dân cư đông, thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa. Hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa đều có chợ hoặc các điểm mua sắm tập trung.
Chỉ trong 10 năm qua, đã có 82,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác… để cải tạo, nâng cấp và xây mới các chợ truyền thống. Nhờ thế, đã có 112/124 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương như Sơn Dương, Chiêm Hóa… đang tập trung chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ UBND các xã sang các doanh nghiệp, hợp tác xã cho phù hợp.
Lãnh đạo Sở Công Thương Tuyên Quang cho biết, sự phát triển của hạ tầng thương mại đã thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong và ngoài tỉnh, nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trung tâm thương mại, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phân bố không đều, tập trung chủ yếu tại thành phố và các thị trấn. Nhiều chợ sau khi đi vào hoạt động chưa thu hút các tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán.
Với mục tiêu phát triển thương mại theo hướng hiện đại, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Sở Công Thương Tuyên Quang đã tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp, kế hoạch phát triển hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết hợp giữa thương mại truyền thống với thương mại điện tử; tiếp tục tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ như: ưu tiên quỹ đất, ưu đãi về thuế, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại tại nông thôn. Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 95% các loại hình hạ tầng thương mại hoạt động hiệu quả.
Trong thời gian tới, để hạ tầng thương mại ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Trên cơ sở rà soát quá trình triển khai quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ và căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường các cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng hệ thống thương mại trong một chiến lược phát triển tổng thể…
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thương mại, thu hút nhiều dự án có quy mô lớn. Đồng thời, phối hợp với ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xây dựng nghị quyết về cơ chế hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hàng hóa và sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có gắn với hoạt động cải tạo, nâng cấp hạ tầng chợ nông thôn.
Những giải pháp này nhằm từng bước hình thành hệ thống hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, phát triển nhiều loại hình dịch vụ chất lượng cao và đặc biệt, có sự gắn kết giữa người sản xuất với người kinh doanh.