Chợ dân sinh Hà Nội sáng tạo trong giãn cách xã hội Đóng cửa 5 chợ dân sinh TP. Vinh: Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa |
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 453 chợ, trong đó có 2 chợ đầu mối và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối.
Hà Nội: Gỡ nút thắt trong phát triển hạ tầng thương mại nông thôn |
Chia theo phân hạng chợ có 15 chợ hạng 1 (chiếm 3,31%), 58 chợ hạng 2 (chiếm 12,8%), 348 chợ hạng 3 (chiếm 76,82%), 8 chợ phải cải tạo hệ thống phòng cháy chữa cháy và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng (chiếm 1,77%), 24 chợ đề nghị không phân hạng (chiếm 5,3%) do thuộc diện di dời, giải tỏa để thực hiện các dự án khác, một số nằm trên đất ngoài đê, đất cây xanh, đất nông nghiệp….
Bên cạnh đó, có 29 trung tâm thương mại, 112 siêu thị kinh doanh tổng hợp có thực phẩm, trên 2.000 cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn.
Trong số đó, chợ truyền thống là kênh phân phối tồn tại lâu đời và gắn bó với đời sống nhân dân; phần lớn người tiêu dùng vẫn mua thực phẩm tại các chợ truyền thống do thói quen tiêu dùng, sự tiện lợi, người mua có nhiều lựa chọn phù hợp với mức thu nhập và được thỏa thuận về giá.
Bà Đặng Thúy Vân - Chủ tịch UBND phường Việt Hưng (quận Long Biên) - cho biết, trên địa bàn có hai chợ dân sinh hoạt động với khoảng 300 hộ kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng... Để xây dựng chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, chính quyền địa phương đã tăng cường phối hợp liên ngành kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.
Trong những năm qua, công tác quản lý, phát triển chợ đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên ngoài một số chợ đã được đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp, còn nhiều chợ được xây dựng tạm, chưa đồng bộ, chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn hạn chế.
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - chia sẻ, với hệ thống phân phối hiện đại thì việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cơ bản bảo đảm nhưng tại hệ thống chợ, mặc dù có kiểm soát nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập như nhận thức của nhiều hộ tiểu thương còn yếu, chưa chấp hành vệ sinh an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được làm thường xuyên; nhận thức của người tiêu dùng “tiện đâu mua đấy”, mua hàng ở chợ cóc chợ tạm, không để ý đến nguồn gốc sản phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cùng với vấn đề an toàn thực phẩm, về cơ sở hạ tầng, hiện thành phố chỉ có 89 chợ kiên cố, 248 chợ bán kiên cố, còn lại vẫn còn 116 chợ dạng lều lán tạm. Bên cạnh đó, 215 xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ. Thành phố cũng mới chỉ có 2 chợ đầu mối, 5 chợ khác đang phải hoạt động có tính chất đầu mối.
Một số chợ trên địa bàn, các hạng mục như hệ thống điện, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, kết cấu công trình… đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; việc thiếu chợ hoặc chợ không thuận tiện cũng góp phần phát sinh chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông… Hiện nay, trên địa bàn còn tồn tại 40 chợ cóc cần phải giải tỏa trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Trong đó, năm 2023 sẽ xây mới 48 chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ. Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn chưa bảo bảo đúng tiến độ đề ra. Đến nay, mới có 6 chợ đã triển khai thi công; 4 chợ hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến được thời gian khởi công. Các chợ còn lại vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư.
Lý giải về việc này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay, theo quy định thì thành phố chỉ đầu tư chợ đầu mối, còn lại phân cấp cho địa phương. Tiến độ xây dựng chợ theo quy hoạch còn chậm và hình thức đầu tư chủ yếu bằng ngân sách nhà nước. Trong đó, các chợ dân sinh tại các quận, huyện, thị xã có quy mô nhỏ nên rất khó khăn trong việc xã hội hóa vì thu không đủ chi.
Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng chợ dân sinh ở các địa phương. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Những địa phương nào gặp khó khăn về ngân sách đầu tư thì cần sớm báo cáo thành phố để có phương án tháo gỡ.
Đối với công tác quản lý, đầu tư hệ thống chợ, lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành phải đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý, sớm hoàn thiện giá tính dịch vụ thuê địa điểm bán hàng để thu hút đầu tư, chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, văn minh thương mại… tại các chợ. Bên cạnh đó, phải đặc biệt quan tâm đầu tư, quản lý, phát huy hiệu quả các chợ đầu mối; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư chợ; tăng cường quản lý hệ thống chợ trên toàn địa bàn bảo đảm phục vụ kinh tế, dân sinh…
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội: Thành phố đã phân cấp mạnh mẽ, giao toàn quyền về cho các quận, huyện, thị xã triển khai công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn. |