Chiều ngày 24-3, giá đô la Mỹ được niêm yết tại các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm từ 10-60 đồng so với ngày hôm qua, nằm ở mức từ 21.570-21.590 đồng/đô la Mỹ.
Tại Ngân hàng Vietcombank, giá đô la Mỹ được niêm yết ở mức 21.575 đồng đổi được 1 đô la Mỹ, tăng 25 đồng so với ngày hôm qua. Giá đô la Mỹ đang có giá niêm yết cao nhất là tại ngân hàng Techcombank, ở mức 21.590 đồng/đô la Mỹ - thấp hơn mức trần NHNN quy định 82 đồng (21.672 đồng/đô la Mỹ).
Theo một số chuyên gia hiện có một số yếu tố gây sức ép cho tỷ giá đồng/đô la Mỹ. Ngoài việc nhu cầu mua đô la Mỹ tăng về ngắn hạn do thời điểm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mua đô la Mỹ để chuyển lợi nhuận về nước vào cuối quí 1-2015, thì trên thị trường cũng có tâm lý nắm giữ đô la Mỹ do đồn đoán NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá.
Thêm vào đó, việc giá đồng đô la Mỹ trên thế giới tăng cao so với đồng tiền của nhiều nước, như euro, yen,….và một số nước châu Á chủ động phá giá nội tệ khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam giảm tính cạnh tranh về giá khi tiền đồng (VND) được “neo” chặt với đồng đô la Mỹ, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhập siêu của Việt Nam từ đầu năm đến giữa tháng 3-2015 cũng đã hơn 1,26 tỷ đô la Mỹ, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam.
Theo bản phân tích của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt về diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 23-3, công ty này cho biết cùng với đồn đoán gần đây trên thị trường liên quan đến khả năng điều chỉnh tỷ giá của NHNN, và thông tin liên quan đến Indonesia có thể là nguyên nhân đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài. Indonesia đang gặp thử thách về cán cân thương mại khi ngân hàng trung ương nước này theo đuổi chính sách ổn định tỷ giá trong khi dự trữ ngoại hối đang ở mức thấp.
Công ty này cho rằng, theo lý thuyết, tại một thị trường đang có sức ép giảm giá đồng nội tệ, hành động của nhà đầu tư nước ngoài thường là bán danh mục để quy đổi về đô la Mỹ hoặc trì hoãn việc giải ngân. Lý thuyết này có thể phần nào giải thích động thái bán ròng của khối ngoại trong các phiên gần đây nói chung và phiên hôm 23-3 nói riêng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong khi có ý kiến ủng hộ việc giữ ổn định tỷ giá ở mức 2%, và có ý kiến ngược lại, thì chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề tỷ giá khá phức tạp, chứ không chỉ những vấn đề nêu trên. Khi được hỏi về việc trước những diễn biến hiện nay liệu Việt Nam có nên tiếp tục theo đuổi chính sách ổn định tỷ giá để ổn định tâm lý hay hỗ trợ xuất khẩu, tăng trưởng, chuyên gia này cho rằng, hiện không phải là thời điểm để đưa ra chính sách, mà cần theo dõi tiếp diễn biến trong thời gian tới.
Trước những diễn biến tỷ giá liên tiếp tăng trong khoảng từ đầu tháng 3-2015 đến nay, NHNN cũng chưa có công bố thông tin nào liên quan đến tỷ giá.
Trước đó, chuyên gia của một số ngân hàng như HSBC, Standard Chartered dự báo trong năm nay tỷ giá đồng/đô la Mỹ vẫn chỉ tăng 2% như mục tiêu mà NHNN đề ra. Theo ông Eddie Cheung, nhà chiến lược về tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Standard Chartered, kinh tế Việt Nam rõ ràng đang phục hồi, và dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang và sẽ tiếp tục được cải thiện. Do đó, ít có khả năng Việt Nam phá giá tiền đồng ở mức cao, nếu có phá giá từ đây đến cuối năm, thì cũng chỉ thêm 1% nữa (sau khi đã phá giá 1% từ đầu năm 2015 - PV).
Chuyên gia này cũng nói thêm rằng, nếu các đồng tiền trong khu vực bị phá giá mạnh thì việc này sẽ gây sức ép để đồng tiền Việt Nam bị phá giá theo, chứ không phải các yếu tố nội tại. Tuy nhiên, nhìn chung, giá dầu giảm đang hỗ trợ kinh tế Việt Nam và các nước châu Á, theo đó, tăng trưởng kinh tế của khu vực mạnh lên sẽ hỗ trợ cho tiền đồng (VND) cũng như các đồng tiền châu Á khác.
Tuy nhiên, theo dự báo của ngân hàng ANZ, tỷ giá sẽ tăng giá 3% trong năm nay, từ mức 21.388 đồng/đô la Mỹ vào cuối năm 2014 tăng lên mức 22.050 đồng/đô la Mỹ vào cuối năm nay. (Từ nay đến cuối năm, nếu tỷ giá tăng thêm 1% đúng như mục tiêu NHNN đề ra, tỷ giá trần sẽ nằm ở mức 21.888 đồng/đô la Mỹ - PV).
Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 3-2015, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa với tổng kim ngạch trên 29,6 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 10%, trong khi đó có kim ngạch nhập khẩu đạt gần 30,7 tỷ đô la Mỹ, tăng trên 18%. Theo đó, hiện Việt Nam nhập siêu khoảng 1,26 tỷ đô la Mỹ. |