Tỷ giá trung tâm: Doanh nghiệp phải chủ động và nhạy bén
DN phải chủ động sử dụng các công cụ phòng tránh rủi ro từ tỷ giá |
Tăng tính chủ động cho doanh nghiệp
Trên thị trường ngoại tệ, sau vài ngày áp dụng tỷ giá trung tâm thay cho tỷ giá bình quân liên ngân hàng cho thấy, thị trường đã có phản ứng tích cực trước cơ chế điều hành tỷ giá mới. Tỷ giá đã được điều chỉnh lên/xuống hàng ngày, theo hướng linh hoạt, kịp thời hơn với diễn biến trong nước và quốc tế.
Trước đó, ngày 5/1, NHNN đã công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD là 21.907 đồng/USD, tăng 11 đồng so với ngày 4/1. Qua ngày 6/1, tỷ giá trung tâm đã có dấu hiệu chững lại so với 2 ngày trước đó khi vẫn niêm yết ở mức 21.907 đồng/USD. Như vậy, NHNN đã tăng tỷ giá trung tâm lên 0,08% trong ngày thứ 2 liên tiếp. Tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD do NHNN công bố tăng 17 đồng trong 2 ngày áp dụng chính sách mới. Tỷ giá trần cũng tăng từ 22.552 đồng/USD lên 22.564 đồng/USD. Trong tương lai, NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh nhẹ tỷ giá trung tâm hàng ngày để thử nghiệm chính sách điều hành mới.
Bên cạnh tỷ giá trung tâm, tỷ giá thị trường cũng điều chỉnh theo cơ chế mới. Cụ thể, tỷ giá liên ngân hàng ngày 5/1 là 22.508 đồng/USD, thấp hơn 0,25% so với trần tỷ giá tại thời điểm đóng cửa. Tỷ giá tự do là 22.630 đồng/USD, cao hơn 0,29% so với tỷ giá trần. Thị trường phản ứng khá ôn hòa với cơ chế tỷ giá mới. Điều này không làm nhiều người bất ngờ khi mà từ nay trở đi, tỷ giá sẽ theo sát diễn biến cung cầu thị trường.
Linh hoạt khi xuất - nhập hàng
DN xuất nhập khẩu là các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc điều hành tỷ giá cũng tỏ ra thận trọng và chủ động hơn khi tiếp nhận các chính sách mới về điều hành tỷ giá. Ông Nguyễn Đình Hiệp- Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sahabak (chuyên sản xuất và xuất khẩu gỗ)- cho biết, việc NHNN không cam kết đảm bảo 2% chênh lệch tỷ giá như trước đây, buộc DN phải thận trọng và tăng cường nhân sự phụ trách dự báo tỷ giá hàng ngày, để làm căn cứ cho việc mua USD nhập khẩu nguyên liệu. Chúng tôi sẽ chọn giải pháp mua kỳ hạn hoặc mua giao ngay để tránh ảnh hưởng do tỷ giá lên hay xuống.
Ngoài ra, một số DN cũng đang chờ phản hồi từ thực tế. Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) - cho biết, việc áp dụng tỷ giá trung tâm còn khá mới nên chúng tôi chưa có tham vấn ý kiến rộng rãi của các DN trong ngành. Tuy nhiên, ngành gỗ hoạt động vẫn sử dụng USD để mua nguyên liệu và thu về USD khi xuất khẩu nên bất cứ sự thay đổi nào về tỷ giá đều có tác động tới ngành gỗ. Để tránh những biến động, các DN nên sử dụng công cụ phòng tránh rủi ro tỷ giá.
Còn ông Võ Quang Vinh – Phó tổng giám đốc Công ty Cầu Tre - cho hay, sau mấy ngày theo dõi diễn biến thị trường cho thấy, tỷ giá không có sự biến động mạnh và chỉ chênh lệch 6 đồng. Ông Vinh cho rằng, quyết định của NHNN có tác động tốt đến xuất khẩu và tăng tính chủ động, nhạy bén cho DN trong việc điều hành sản xuất, kinh doanh.
Việc công bố tỷ giá trung tâm là bước đi tiếp theo trong các biện pháp đồng bộ được NHNN thực hiện mục tiêu xuyên suốt là nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Ngoài ra, việc quy định này để tránh hiện tượng găm giữ USD trong cả DN và người dân.
Rổ tiền tệ mà NHNN sử dụng làm tham chiếu cho tỷ giá trung tâm gồm 8 đồng tiền là USD, baht, euro, nhân dân tệ Trung Quốc, đô la Singapore, yên Nhật, won Hàn Quốc, tệ của Đài Loan. Đây là những đồng tiền có tỷ trọng đầu tư và thương mại lớn nhất đối với Việt Nam. |