Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên tiếp xử phạt 3 doanh nghiệp vi phạm
Công ty chứng khoán KIS Việt Nam là đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu cho 3 đợt chào bán của Công ty cổ phần Cung Điện Mùa Đông (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Cụ thể, trong tháng 11/2021 chào bán đợt 1 với 254 tỷ đồng, đợt 2 là 196 tỷ đồng; đợt 3 diễn ra vào tháng 3/2022 với giá trị 1.900 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Công ty chứng khoán KIS chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu riêng lẻ. Cụ thể, phương án phát hành của 3 đợt chào bán nêu trên đã được đại hội đồng cổ đông của Cung Điện Mùa Đông thông qua nhưng chưa có nội dung về kế hoạch bố trí nguồn và phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu và trách nhiệm, nghĩa vụ của từng tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ liên quan đến việc phát hành trái phiếu.
Tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành, Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho hội đồng quản trị lập và quy định phương án phát hành chi tiết, Cung Điện Mùa Đông đã công bố thông tin các phương án phát hành chi tiết do Chủ tịch Hội đồng quản trị ký mà chưa có nghị quyết/quyết định của Hội đồng quản trị thông qua các phương án phát hành chi tiết này.
Công ty chứng khoán KIS Việt Nam bị xử phạt vì liên quan đến việc phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh |
Các bản công bố thông tin trước đợt phát hành của Cung Điện Mùa Đông không có thông tin về những người chịu trách nhiệm chính công bố thông tin về đợt phát hành trái phiếu như không có thông tin Chủ tịch Hội đồng quản trị của tổ chức phát hành là Cung Điện Mùa Đông, không có thông tin về tổ chức tư vấn là KIS.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn chỉ ra, hồ sơ kèm theo bản công bố thông tin phát hành trái phiếu đợt 1, 2 của Cung Điện Mùa Đông không có báo cáo tài chính kiểm toán 2019 (chỉ có báo cáo tài chính năm 2019 chưa được kiểm toán).
Công ty chứng khoán KIS Việt Nam bị phạt tiền 85 triệu đồng do không báo cáo HNX các tài liệu như: Báo cáo định kỳ tình hình tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp quý IV/2021, năm 2021 và quý I/2022... Bên cạnh đó, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cũng không báo cáo HNX đúng thời hạn theo quy định đối với các tài liệu: Báo cáo định kỳ tình hình tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp quý II,III/2021... Do đó, đơn vị này đã bị phạt tiền 250 triệu đồng do không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, có thể kiểm chứng được. Tổng mức phạt đối với Công ty chứng khoán KIS Việt Nam là 335 triệu đồng.
Tiếp đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt tổng số tiền 335 triệu đồng cho nhiều lỗi vi phạm.
Cụ thể, Tập đoàn Danh khôi bị phạt 150 triệu đồng vì công bố thông tin sai lệch về giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế năm 2021 thay đổi hơn 10% so với năm 2020. Tập đoàn Danh Khôi công bố lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong năm 2021 tăng so với cùng kỳ, do ghi nhận doanh thu từ 4 hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy, tập đoàn này mới thực hiện ghi nhận doanh thu và xuất hóa đơn đối với 1 hợp đồng, số tiền thu được là 63 tỷ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn Danh Khôi còn bị phạt 60 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn về các báo cáo định kỳ liên quan đến 2 đợt trái phiếu tổng trị giá 360 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tập đoàn Danh Khôi do thực hiện phát hành thêm cổ phiếu không đúng với phương án đã báo cáo. Đặc biệt, 14 cá nhân là cộng tác viên đã ký hợp đồng cộng tác viên với công ty ngày 1/7/2021, có thời gian làm việc dưới 6 tháng tính đến ngày 1/11/2021, không thuộc đối tượng được tham gia chương trình ESOP theo quy chế phát hành ESOP năm 2021 của công ty.
Được biết, ngoài phạt biệt, Tập đoàn Danh Khôi còn bị buộc thu hồi cổ phiếu đã phát hành, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua cổ phiếu hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua cổ phiếu hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư. Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành (14/10).
Trước đó, Công ty cổ phần quản lý quỹ VinaCapital cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt với tổng số tiền 185 triệu đồng. Các lỗi vi phạm của VinaCapital cụ thể như: Phạt 60 triệu đồng vì bố trí ông Diên Hồng Thọ là nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ trực tiếp thực hiện phân tích đầu tư; phạt 125 triệu đồng vì giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12/2021, các giao dịch chứng khoán của nhân viên của công ty quản lý quỹ không được báo cáo đầy đủ cho bộ phận kiểm soát nội bộ trước và ngay sau khi giao dịch.