Vã mồ hôi ở phiên chợ “bán rủi cầu may”
Theo quan niệm của người dân, lỡ một phiên chợ Viềng là lỡ cả một năm. Vì vậy, ngay từ buổi trưa ngày 7 Tết, người dân từ các tỉnh chủ yếu là Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng... đổ về chợ Viềng đông như mắc cửi để mong có lộc cho cả năm.
Thường hàng năm phiên chợ Viềng diễn ra trong cái giá lạnh, tuy nhiên phiên chợ “bán rủi mua may” năm Ất Mùi 2015 lại nóng nực như mùa hè khiến hàng nghìn du khách đổ về đây vã mồ hôi.
Theo người dân Nam Định tên “Viềng” không phải là tên riêng của một chợ mà có tới 4,5 khu chợ thuộc hai chợ cùng tên “Viềng” của Nam Định, cùng họp một phiên vào đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 Tết âm lịch hàng năm.
Đó là hội Viềng Phủ ở Kim Thái, huyện Vụ Bản (là chợ đã nổi tiếng trong sử sách, thi ca) và hội Viềng Chùa tại xã Nam Giang, huyện Nam Trực. Vì vậy, hiện nay tại Nam Định, chợ Viềng “2 chợ, 1 phiên” cho cả năm.
Theo quan niệm của người dân, chợ Viềng Phủ có ý nghĩa như chợ thần tiên trên trời (còn gọi là chợ âm phủ). Đi chợ kết hợp với cúng bái, cầu may ở các đền, phủ. Tương truyền, lễ hội chợ Viềng gắn liền với việc thờ ông Khổng - ông tổ đúc đồng (trước đình ông Khổng, người dân thường bày bán đồ đồng, đồ sắt). Những chiếc lư đồng cổ với hình dáng phong phú và nét chạm khắc tinh xảo luôn bắt mắt người xem.
Những người sành chơi quan niệm rằng, mua được một món đồ đồng ưng ý tại chợ Viềng đầu năm, lộc sẽ về đầy nhà trong năm ấy, vì thế, gian hàng bán sản phẩm đồng thau lúc nào cũng tấp nập khách khứa. Tuy nhiên, theo nhiều du khách, quan niệm của ngày xưa là như vậy nhưng giờ thì khác, muốn tìm một chiếc lư đồng cổ, thậm chí chỉ cần đó là một món đồ cũ là điều không tưởng.
Hình ảnh dòng người nêm cứng tại phiên chợ "bán rủi cầu may":
Phiên chợ "bán rủi cầu may" họp duy nhất một lần vào đêm mồng 7 rạng sáng mồng 8 Tết âm lịch hàng năm thu hút hàng nghìn du khách thập phương.
Người dân "chôn chân" tại phiên chợ "bán rủi cầu may".