Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại Hà Nội - Khó kiểm soát!
Kiểm soát chặt thực phẩm tại siêu thị |
Hơn 200 vụ vi phạm
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội - cho biết, từ đầu năm đến nay, chi cục đã phối hợp với Công an TP.Hà Nội kiểm tra 2.599 cơ sở, phát hiện 238 vụ vi phạm ATVSTP. Trong đó, có 104 trường hợp phạt cảnh cáo, 49 trường hợp phạt tiền, 85 trường hợp bị buộc phải tiêu hủy. Số lượng sản phẩm tiêu hủy lên tới trên 9.284 kg sản phẩm động vật các loại. Tổng số tiền phạt là 243,29 triệu đồng.
Theo ông Đảng, công tác quản lý ATVSTP trên địa bàn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do quy trình sản xuất, chăn nuôi, giết mổ nhỏ, lẻ chiếm số lượng lớn. Đơn cử, như trong hoạt động giết mổ, toàn thành phố chỉ có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp lớn nhưng có đến 2.491 cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ, phần lớn nằm trong khu dân cư.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn hiện có 895 chợ dân sinh, trong đó chỉ có 12 chợ loại 1, 67 chợ loại 2, 304 chợ loại 3, còn lại không được phân loại, nghĩa là chợ cóc, chợ tạm, chợ nhỏ chiếm số lượng rất lớn; chưa kể, còn có hơn 1.000 bếp của các nhà máy, xí nghiệp, với khoảng 1.254 bếp ăn trường học. “Hiện công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y mới chủ yếu thực hiện được tại các cơ sở giết mổ lớn, siêu thị, chợ đầu mối… Nếu tiến hành kiểm tra, giám sát đầy đủ trên diện rộng, cần rất nhiều nhân lực”, ông Đảng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội: Năm 2015 sẽ nỗ lực kiểm soát nhằm giảm 10% tỷ lệ mẫu vượt ngưỡng tồn dư hóa chất, kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật đối với thủy sản nuôi, rau, chè, gạo; giảm 10% tỷ lệ mẫu nhiễm vi sinh trong thịt lợn, thịt gà so với năm 2014. |
Nỗ lực ngăn chặn
Trước tình hình này, Chi cục Thú y Hà Nội thường xuyên phối hợp liên kết với các lực lượng chức năng ban, ngành kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Theo đó, 30 trạm thú y ở các quận, huyện, thị xã liên tục kiểm tra, bám chắc địa bàn, đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm VSATTP. Đặc biệt, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” diễn ra từ ngày 15/4-15/5, sẽ tập trung lực lượng kiểm tra giám sát trên diện rộng.
Hiện nay, việc đóng dấu, dán tem nhãn bảo đảm chất lượng và nguồn gốc sản phẩm đã được thực hiện thường xuyên tại các siêu thị, chợ đầu mối… Quá trình dán tem đều có sự giám sát của cơ quan thú y.
“Thành phố đang có định hướng khuyến khích xây dựng các khu giết mổ tập trung; quy hoạch lại hệ thống chợ, tiến tới xóa bỏ các chợ cóc, chợ tạm; quy hoạch lại chăn nuôi, giảm dần chăn nuôi nhỏ, lẻ. Việc quản lý ATVSTP khi đó sẽ dễ dàng hơn”, ông Đảng khẳng định.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đưa ra kế hoạch “Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội năm 2015”. Trong đó, sẽ xây dựng các chuỗi liên kết thịt, thủy sản, rau, hoa quả... từ sản xuất, sơ chế đến chế biến, tiêu thụ, bảo đảm nông sản có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được dán tem, nhãn mác nhận diện.