Các doanh nghiệp sẽ rút ra được nhiều thông tin hữu ích tại cuộc hội thảo
CôngThương - Cùng với các cơ quan chính phủ liên quan, hội thảo còn có sự tham gia của công ty luật và các công ty tư vấn quốc tế, các nhà sản xuất phần mềm lớn của Việt Nam và thế giới nhằm tư vấn và mang đến các giải pháp hữu hiệu về bản quyền phần mềm (BQPM) cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hội thảo nhằm cập nhật những thông tin mới nhất liên quan đến BQPM trong nước và quốc tế.
Là một trong những vấn đề được Chính phủ ưu tiên giải quyết, nhiều năm trở lại đây, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung và BQPM nói riêng không chỉ được luật pháp Việt Nam bảo vệ với những điều luật nghiêm khắc, mà còn được thực thi khá quyết liệt. Năm 2010, lực lượng liên ngành đã tổ chức thanh tra tại 60 doanh nghiệp, kiểm tra 2.361 máy tính. Các doanh nghiệp đều vi phạm sử dụng phần mềm máy tính bất hợp pháp và bị xử phạt vi phạm hành chính. Từ đầu năm đến nay, lực lượng thanh tra đã tiến hành thanh tra 50 doanh nghiệp, kiểm tra gần 2.000 máy và theo báo cáo chưa đầy đủ thì hiện tại, các doanh nghiệp đã tự giác mua các phần mềm bản quyền trị giá tới 489.775USD.
Tiến sỹ Vũ Mạnh Chu - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - nhấn mạnh: “Hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các doanh nghiệp có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt nghiêm khắc của pháp luật. Ngoài ra, người sở hữu tác quyền cũng được quyền sử dụng các biện pháp khác để xử lý việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình, như tiến hành khiếu tố tại tòa án có thẩm quyền theo Điều 198.1d, Luật SHTT và/hoặc yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải ngừng hành động vi phạm, chính thức xin lỗi và có biện pháp khắc phục, yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại, kể cả thiệt hại vật chất, cũng như trả án phí theo các Điều 202, 204, 205, Luật SHTT”.
Ông Vũ Bá Phú - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh: Các doanh nghiệp cũng có thể tạo dựng sự khác biệt về hình ảnh sản phẩm và doanh nghiệp mình so với các doanh nghiệp khác, quốc gia khác trong việc tuân thủ nghiêm các quy định về BQPM. Các sản phẩm này hoàn toàn có thể sử dụng nhãn “Phần mềm có bản quyền” giống các sản phẩm sinh thái có nhãn “Eco product” như là một lợi thế cạnh tranh đối với lựa chọn của người tiêu dùng. |
Theo ông Vũ Bá Phú - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, sự kiện Nghị viện các bang Washington và Luisiana vừa thông qua một đạo luật mới có tên là “Vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin” vào tháng 6/2011 để nhắm vào các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng việc sử dụng phần mềm không bản quyền, đã gióng lên hồi chuông cho các doanh nghiệp Việt Nam về những hệ lụy do các hành vi xâm phạm BQPM gây ra. Về cơ bản, luật này được ban hành nhằm mục đích ngăn chặn việc sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền ở nước ngoài bằng cách gây sức ép buộc các nhà phân phối tại Hoa Kỳ yêu cầu các nhà xuất khẩu ở nước thứ 3 chấm dứt việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, từ khâu kho bãi, vận chuyển, hệ thống kiểm toán, kế toán... Đối tượng áp dụng của Luật bao gồm tất cả các sản phẩm được sản xuất trực tiếp từ các phần mềm hay thiết bị vi phạm bản quyền SHTT và các sản phẩm được sản xuất từ người sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền trong lĩnh vực phân phối, quảng bá hoặc bán sản phẩm.
Ông Phú cảnh báo: “Có thể thấy đây là một công cụ bảo hộ khá hữu hiệu ở các nước phát triển. Vì vậy, không thể chắc chắn được rằng Luật này chỉ áp dụng trong 2 bang Washington và Luisiana mà không lan khắp Hoa Kỳ, thậm chí các nước phát triển khác”. Những tác động không thuận lợi của đạo luật trên tới các doanh nghiệp Việt Nam là: Tạo ra một rào cản kĩ thuật mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bởi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước đa số là vừa và nhỏ, vì vậy chi phí BQPM sẽ chiếm tỉ trọng khá cao trong tổng chi phí hoạt động. Điều này gián tiếp ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của sản phẩm; các doanh nghiệp sản xuất cũng như phân phối không đáp ứng được việc xuất trình giấy chứng nhận về BQPM có nguy cơ không thể xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may và dụng cụ thể thao. Một tác động nữa là tăng nguy cơ bị áp biên độ phá giá cao hơn trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Bởi vậy, việc xâm phạm bản quyền nếu không sớm được giải quyết sẽ tạo ra một hình ảnh, ấn tượng xấu cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ nói riêng và thị trường thế giới nói chung. Sẽ là điều kiện để mặc cả, đàm phán với các tiêu chuẩn cao hơn, thái độ thận trọng hơn từ phía các nhà nhập khẩu, phân phối Hoa Kỳ. Vô hình trung đây cũng là một nhân tố làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Khi quyền SHTT ngày càng được siết chặt trong nền kinh tế tri thức và trở thành vấn đề toàn cầu trong một nền kinh tế hội nhập sâu rộng thì ý thức tôn trọng và tuân thủ trở thành yếu tố tiên quyết để giữ vững uy tín doanh nghiệp. Ông Vũ Bá Phú nhận định: “Khi đã thay đổi được nhận thức, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất sẽ coi việc sử dụng phần mềm có bản quyền như một phần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội và như một hành vi thể hiện đạo đức kinh doanh. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn tạo ra một hình ảnh đáng tin cậy hơn cho sản phẩm cũng như doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong con mắt nhà nhập khẩu, phân phối nước ngoài”.