Vị trí nhận chìm vật chất nạo vét cảng Dung Quất: Không có rạn san hô, các sinh vật đặc hữu
Ảnh minh họa |
15 triệu tấn vật chất trong quá trình nạo vét cảng Dung Quất đang được nhà máy thép Hòa Phát đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép nhận chìm xuống đáy vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là giải pháp được đưa ra để hoàn thiện 11 bến nước sâu, có thể đón được tàu có trọng tải lên đến 200.000 tấn.
Nằm ở ngoài khơi vịnh Dung Quất, cách đảo Lý Sơn hơn 28km, vị trí hình thoi này là địa điểm dự kiến sẽ nhận chìm 15 triệụ m3 vật chất, được đưa lên trong quá trình nạo vét cảng Dung Quất. Rộng 1,8 km2, độ sâu hơn 50 m, đây là lần thứ 3, Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng thợ lặn để khảo sát địa hình và hệ sinh thái dưới đáy biển trước khi cấp phép nhận chìm.
Sau khi tiến hành lặn thăm dò tại 4 vị trí khác nhau trong khu vực dự kiến nhận chìm, các camera dưới nước đã được đưa lên để kiểm tra thực trạng đáy biển.
Hình ảnh ghi được từ các camera không phát hiện thấy có các rạn san hô hay các loài sinh vật đặc hữu. Ở độ sâu 52m chỉ thấy có cát vàng và các lớp trầm tích. Hình ảnh này cũng trùng khớp với kết quả của 2 lần khảo sát đáy biển vào tháng 4 và tháng 9/2018 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Liên quan đến những lo ngại liệu có chất thải nào khác được nhận chìm cùng với vật chất nạo vét hay không, chủ đầu tư dự án khẳng định không có bất cứ chất thải nào được đưa từ trên bờ xuống biển.
Những kết quả khảo sát dưới đáy biển cùng với các báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ là yếu tố quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét phê duyệt. Theo chủ đầu tư, những công nghệ hiện đại nhất thế giới sẽ được sử dụng trong quá trình nạo vét và nhận chìm.