Việt Nam cần thúc đẩy vai trò của chẩn đoán vì tương lai của hệ thống chăm sóc sức khỏe
Tại phiên thảo luận về chủ đề “Xét nghiệm hướng đến một hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho Việt Nam” đã có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của PGT.TS. Lương Ngọc Khuê – Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Bà Naomi Kitahara - Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, Bs. Kimberly Green - Giám đốc Chương trình Toàn cầu, Chăm sóc sức khỏe ban đầu, PATH Việt Nam cùng các cán bộ của Bộ Y tế, diễn giả đến từ Hội Phụ Sản Việt Nam, các bệnh viện đầu ngành Sản khoa, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và xét nghiệm cùng đại diện doanh nghiệp EU-ASEAN.
Chương trình đã đề cập các khó khăn tồn đọng và thách thức trong hệ thống xét nghiệm chẩn đoán hiện tại của Việt Nam trước bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn đang lưu hành và sự gia tăng của bệnh tật với các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan siêu vi và bệnh không truyền nhiễm như ung thư cổ tử cung, cao huyết áp, đái tháo đường ...
Bà Naomi Kitahara - Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam |
Trao đổi về chủ đề ung thư cổ tử cung, Bà Naomi Kitahara - Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: “Theo báo cáo năm 2018, ung thư cổ tử cung đứng thứ 6 trong các loại ung thư phổ biến ảnh hưởng đến phụ nữ Việt Nam, với gần 4,200 ca mắc mới và 2,420 ca tử vong. Tuy nhiên, chỉ số tiêm phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung tại Việt Nam đều thấp. Theo dữ liệu năm 2021, chỉ 12% trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi 15-29 được tiêm phòng và 28% phụ nữ ở độ tuổi 30-49 được sàng lọc”. Bà cũng nhấn mạnh việc tiêm phòng, sàng lọc sớm HPV (Human Papilloma Virus - một loại vi-rút gây u nhú ở người) và điều trị sớm sẽ giúp giảm tử vong và gánh nặng kinh tế cho Việt Nam.
Các đại biểu tham gia Phiên thảo luận “Xét nghiệm hướng đến một hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho Việt Nam” |
Phiên thảo luận của hội nghị cũng đề cập và phân tích những câu chuyện thành công từ các chương trình sàng lọc cộng đồng trong khu vực và quốc tế, vai trò của hợp tác công - tư trong việc tăng cường sự tiếp cận của người dân với các công nghệ và dịch vụ chẩn đoán tại khu vực thành thị và nông thôn, và các chương trình nâng cao nhận thức của người dân cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan ban ngành và tổ chức tư nhân.
Bs. Qadeer Raza, Tổng Giám đốc Roche Việt Nam cho biết, trách nhiệm của các doanh nghiệp tư nhân không chỉ giới hạn trong việc cung cấp các giải pháp cho chuyên viên y tế mà còn cho cộng đồng. Thời gian qua, Roche đã hợp tác thành công với các cơ quan chức năng trong các chiến dịch nâng cao nhận thức về HPV. "Chúng tôi mong muốn tiếp tục sự hợp tác này ở quy mô lớn hơn cho các chương trình quốc gia nhằm tăng mức độ ảnh hưởng và mức độ bao phủ và tin rằng bằng cách này, thông điệp về phòng chống ung thư cổ tử cung có thể được lan tỏa đến phụ nữ trên khắp Việt Nam. Phụ nữ và trẻ em của chúng ta xứng đáng được hưởng một cuộc sống chất lượng hơn. Chúng ta nên làm mọi thứ trong khả năng để giúp đất nước và thế hệ tương lai được an toàn và khỏe mạnh" - Bs. Qadeer Raza bày tỏ.