Đan Mạch là nước công nghiệp phát triển, có nền kinh tế hiện đại, với mức sống và dịch vụ chính phủ cao. Mặc dù dân số chỉ có khoảng 5,8 triệu người, nhưng theo số liệu thống kê năm 2019, nền kinh tế Đan Mạch đứng thứ 35/196 thế giới tính theo GDP và thu nhập bình quân đầu người đạt 60.897 USD đứng thứ 11 thế giới. Đặc biệt, môi trường kinh doanh của Đan Mạch được đánh giá là thân thiện, 10 năm liền được Ngân hàng Thế giới xếp hạng là nước có môi trường kinh doanh tốt nhất châu Âu và luôn đứng trong 5 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới. Đây cũng chính là những “điểm cộng” để nhiều đối tác lựa chọn Đan Mạch là điểm đến đầu tư, kinh doanh.
Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Đan Mạch |
Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Đan Mạch không ngừng phát triển. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều về hàng hóa đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2005 và gấp đôi kể từ năm 2012. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Đan Mạch trong năm 2019 đạt khoảng 580,81 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch đạt 336,59 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Đan Mạch đạt 244,22 triệu USD.
Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Đan Mạch phải kể đến như: hàng dệt, may, hàng thủy sản, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác,... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Đan Mạch các sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, dược phẩm, sản phẩm hóa chất, hàng thủy sản, sản phẩm từ sắt thép,...
Về đầu tư, Đan Mạch là một trong số các nước Bắc Âu đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm. Các doanh nghiệp của Đan Mạch đầu tư chủ yếu theo hình thức liên doanh. Tính đến hết năm 2019, Đan Mạch xếp hạng thứ 30 trong số 135 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 139 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư hơn 439,25 triệu USD.
Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch, ông Phạm Thanh Dũng cho biết, Đan Mạch không những là quốc gia duy nhất ở Bắc Âu thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, mà còn là một trong những đối tác thương mại tiềm năng của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Bởi đây là khu vực cửa ngõ nối liền phía Bắc với phần còn lại của châu Âu. Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, Đan Mạch đã thực hiện các chính sách tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này.
Đặc biệt, khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi sẽ mang lại tác động tích cực cho hai nước, tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Đan Mạch, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Hàng hóa của Việt Nam sẽ có cơ hội và sức cạnh tranh cao hơn ở thị trường EU nói chung và Đan Mạch nói riêng.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Latvia), các ngành kinh tế thế mạnh của Đan Mạch gồm vận tải biển, cơ khí đóng tàu, xây dựng cảng biển, chế tạo thiết bị năng lượng, xi măng, công nghiệp dược, chế biến thủy sản và thực phẩm, sản xuất và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng gió và năng lượng tái tạo, môi trường và công nghệ xanh – sạch, thiết kế công nghiệp và hàng tiêu dùng.
Đây đều là những lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam và nhiều cơ hội để hai nước có thể hợp tác phát triển mạnh mẽ.
Ngoài ra, Đan Mạch trong lịch sử đã duy trì một chính sách không rào cản và thường dẫn đầu trong việc chống lại các hàng rào phi thuế quan. Đan Mạch là thành viên của EU và tuân thủ tốt nhất việc thực hiện các chỉ thị về thị trường chung châu Âu. Thuế nhập khẩu của Đan Mạch áp dụng chung cho tất cả sản phẩm đến từ các nước không thuộc khối EU. Khi hàng hóa đã được thông quan tại một cửa khẩu của một nước thành viên EU, hàng hóa có thể tự do di chuyển đến các nước thành viên khác của EU, trong đó có Đan Mạch.
Đặc biệt, Đan Mạch do thời tiết lạnh kéo dài, chiếm phần lớn thời gian trong năm nên có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại nông, thủy sản nhiệt đới mà đây là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Latvia) thông tin thêm, Đan Mạch không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là cửa ngõ quan trọng để các sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam xâm nhập vào các nước Bắc Âu khác. Tuy nhiên, giá trị hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch hiện còn khá khiêm tốn. Hy vọng, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng của Việt Nam sẽ tăng mạnh.
Ngoài ra, một số mặt hàng tiềm năng khác của Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch như dệt may, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất...
Hiện, hàng dệt may của Đan Mạch chủ yếu xuất khẩu sang các nước châu Âu, Đức và Thụy Điển là hai thị trường nhập khẩu dệt may chính của Đan Mạch. Tuy nhiên, do nhân công cao nên hầu hết các nhà máy sản xuất dệt may của Đan Mạch được đặt ở nước ngoài hoặc thuê gia công. Do vậy, nếu tiếp cận được các nhà sản xuất và nhập khẩu dệt may của Đan Mạch, doanh nghiệp không chỉ tiếp cận được thị trường Đan Mạch mà còn có cơ hội đưa sản phẩm cung cấp cho các thị trường châu Âu thông qua chuỗi phân phối của Đan Mạch. Tuy nhiên, Việt Nam phải tăng năng lực cạnh tranh để có thể cạnh tranh các đối thủ như Thổ Nhĩ Kỹ, Trung Quốc, Ba Lan, Bangladesh…
Đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Latvia) lưu ý, do nhu cầu của thị trường, các nhà nhập khẩu sản phẩm này ở Đan Mạch thường quan tâm đến giá và chất lượng sản phẩm, đặc biệt thường phải có thiết kế đặc biệt và khác biệt. Do vậy, các nhà nhập khẩu thường tự thiết kế và đặt sản xuất theo yêu cầu tại các nước đang phát triển để giảm giá thành.
Có thể nói, có rất nhiều cơ hội để các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam "chen chân" vào thị trường này. Tuy nhiên, để có "vé" và chỗ đứng, hàng hóa Việt phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường, đảm bảo về kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ…