Các nước Đông Á hợp tác chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển bền vững |
Toàn cầu đang đứng trước nhiều thách thức to lớn do tác động của biến đổi khí hậu đối với công cuộc phát triển bền vững, đe dọa sự tồn vong của trái đất. Các quốc gia trên thế giới đã và đang đặt mình trong bối cảnh biến đổi khí hậu để lựa chọn con đường phát triển bền vững, phát thải carbon thấp với tầm nhìn dài hạn đến năm 2050. Năng lượng có vai trò quan trọng sống còn đối với phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và đại diện các Cục, Vụ liên quan tham gia Đối thoại trực tuyến chuyển đổi năng lượng Berlin năm 2021 |
Tại phiên họp với chủ đề “Thiết kế thị trường thông minh cho chuyển đổi năng lượng toàn cầu” ngày 16/3, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, rất vui mừng được tham dự Đối thoại về chuyển dịch năng lượng này và cùng thảo luận, chia sẻ và đề xuất các chính sách, những ưu tiên nhằm thúc đẩy hợp tác hiệu quả nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia.
Cùng với đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, Chính phủ Việt Nam quyết tâm và đang giành ưu tiên cao cho các nỗ lực phát triển ngành năng lượng theo hướng phát triển bền vững với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát thải khí nhà kính.
“Việc đưa vào vận hành thị trường điện và thị trường năng lượng cạnh tranh là các công cụ hiệu quả nhất nhằm thiết lập nền tảng cho quá trình chuyển đổi năng lượng”- Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An hy vọng thông qua cuộc đối thoại này sẽ xây dựng cơ chế hợp tác đa phương và song phương có ý nghĩa đối với sự phát triển năng lượng |
Hiện nay, trong lĩnh vực điện lực, Việt Nam đã ban hành lộ trình phát triển thị trường điện theo ba cấp độ (Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2013) nhằm lần lượt tự do hóa khâu phát điện, bán buôn điện và bán lẻ điện. Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường phát điện và bán buôn điện cạnh tranh đã được hình thành, các nhà máy điện đã và đang có thể chào giá cạnh tranh trong môi trường minh bạch và bình đẳng, một quá trình tái cơ cấu ngành điện (phân tách giữa yếu tố độc quyền tự nhiên và yếu tố cạnh tranh) đang được thực hiện nhằm hướng đến sự hình thành của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cung cấp cho khách hàng sự lựa chọn đơn vị cung cấp điện.
Năm 2012, Việt Nam cũng đã phê duyệt lộ trình lưới điện thông minh để từng bước hiện đại hóa lưới điện, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý lưới điện, chú trọng thúc đẩy sự phát triển của nguồn điện phân tán, nguồn điện năng lượng tái tạo quy mô nhỏ và sự tham gia tương tác của khách hàng sử dụng điện trong việc quản lý và điều chỉnh phụ tải điện. Việt Nam đã chủ động triển khai các công nghệ tự động hóa nhằm tích hợp số lượng lớn các nguồn điện tái tạo không điều khiển được như điện gió, điện mặt trời vào hệ thống.
Ngoài ra, Việt Nam đang dành các khoản đầu tư lớn cho lĩnh vực năng lượng, tái cơ cấu toàn diện ngành năng lượng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cũng như xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển ngành năng lượng theo xu hướng mới trong phát triển bền vững bao gồm ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường để nâng cao hiệu suất của ngành năng lượng, tăng tỷ trọng các nguồn và năng lượng tái tạo và thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
“Hy vọng thông qua cuộc đối thoại này, chúng ta sẽ xây dựng được những cơ chế hợp tác đa phương và song phương có ý nghĩa đối với sự phát triển ngành năng lượng và nền kinh tế của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Đối thoại chuyển đổi năng lượng Berlin là diễn đàn quốc tế thường niên, có quy mô lớn, do Bộ Ngoại giao và Bộ Kinh tế Năng lượng CHLB Đức đồng chủ trì nhằm thúc đẩy hợp tác chống biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, chia sẻ các ý tưởng về quá trình chuyển đổi năng lượng một cách an toàn, hợp lý và có trách nhiệm đối với môi trường.
Diễn đàn năm nay diễn ra trong 2 ngày 16-17/3/2021, thu hút hơn 2.700 đại biểu từ gần 100 nước tham dự với chủ đề chính là “Mục tiêu năng lượng - hướng đến trung lập khí hậu” với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Bộ trưởng các Bộ Ngoại giao, Kinh tế và Năng lượng, Môi trường, bảo tồn thiên nhiên và an toàn hạt nhân Đức, cùng nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực năng lượng của các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Áo, Phần Lan, Canada, Uruguay, Mexico, Chi Lê, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập… Đối thoại tập trung thảo luận 5 chủ đề bao gồm: Hợp tác quốc tế, kinh tế xã hội, ứng dụng sáng tạo, tài chính, thiết kế thị trường.