Việt Nam - Hoa Kỳ: Hợp tác khoa học công nghệ ngày càng thiết thực
Đây là nội dung đã được thống nhất tại Khóa họp lần thứ 10 của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam và Hoa Kỳ (JCM10) diễn ra từ ngày 15-17/10 tại thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ.
Thảo luận giữa hai bên tại JCM10 |
Khóa họp là hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác khoa học và công nghệ (KH&CN) giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, được tổ chức luân phiên hai năm một lần tại mỗi nước. Năm nay, ngoài những hoạt động chính như phiên họp thường kỳ, JCM10 còn bao gồm các hoạt động bên lề như hội thảo về cơ chế hỗ trợ cho khoa học, phụ nữ trong khoa học… Những nội dung trao đổi tại các phiên thảo luận đã thể hiện các góc nhìn khác nhau nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ thực hiện những nội dung hợp tác của các Nhóm công tác thuộc JCM10.
Tại JCM10, phía Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định đẩy mạnh hợp tác KH&CN với Việt Nam. Cụ thể, về khoa học y tế và sức khỏe, hai bên tiếp tục hợp tác thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ chương trình an ninh y tế toàn cầu, tăng cường năng lực cho mạng lưới các trung tâm điều hành khẩn cấp, phòng xét nghiệm tiêu chuẩn quốc gia và khu vực; đẩy mạnh thực hiện chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa; hợp tác nghiên cứu phòng chống các bệnh không lây nhiễm, nghiên cứu về ung thư, phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia và các chất gây nghiện; hợp tác nghiên cứu và phát triển vaccine, chuyển giao công nghệ.
Về công nghệ sinh học trong nông nghiệp, hai bên tiếp tục mở rộng hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, trong đó ưu tiên các công nghệ mới. Hai bên cũng ưu tiên hỗ trợ các dự án hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong chia sẻ đánh giá nguồn gen, nghiên cứu tạo giống cây trồng vật nuôi năng suất, chất lượng tốt. Về đào tạo nhân lực hai bên thúc đẩy chương trình đào tạo ngắn hạn nâng cao năng lực nghiên cứu cho các viện, trường của Việt Nam tại Hoa Kỳ, đào tạo sau đại học chuyên ngành công nghệ sinh học đồng thời tăng cường sự hợp tác chặt chẽ trong nông nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Về khoa học bảo tồn, hai bên thống nhất hỗ trợ hoàn thiện hệ thống quan trắc rừng nhiệt đới của Việt Nam. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật viễn thám theo dõi môi trường ven biển, hình thành hệ thống quản lý dữ liệu cho vùng hạ Mekong (bao gồm thu thập, quản lý dữ liệu, phân tích, và phổ biến dựa trên nên tảng Big Data). Ngoài ra, hai bên sẽ đẩy mạnh nghiên cứu sử dụng các chỉ tiêu tích hợp kinh tế - xã hội và văn hóa - môi trường và kiến thức bản địa trong công tác bảo tồn.
Còn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hai bên tiếp tục xây dựng hệ sinh thái về đổi mới sáng tạo, trao đổi chuyên gia, chuyển giao các giải pháp công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ (như xác lập quyền và thực thi luật pháp)…