Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân (giữa) giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp Nhật Bản tại buổi gặp mặt |
Thực trạng và cơ hội
Theo ông Dương Thanh An - Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế (Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT), thực trạng môi trường của Việt Nam là những con số mà Chính phủ không hề mong muốn. Cụ thể, trong 615 cụm công nghiệp trên cả nước chỉ 5% có khu xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ thu gom chất thải rắn, rác thải y tế tại các thành phố còn thấp; khai thác khoáng sản gây nhiều hệ luỵ về môi trường; ô nhiễm nghiêm trọng tại nhiều làng nghề… Tuy nhiên theo ông, đây chính là cơ hội cho các DN Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, hệ thống luật pháp, quyết tâm chính trị của Chính phủ, áp lực từ công luận cũng là những yếu tố tiềm năng hấp dẫn các DN Nhật bản đầu tư. Về phía Chính phủ với quyết tâm chính trị rất lớn cải thiện vấn đề môi trường đã được thể hiện qua hàng loạt các chính sách pháp luật mà rõ nhất là Chỉ thị số 25/CT-TTg, trong đó Thủ tướng đề ra một loạt giải pháp rất mạnh về công tác bảo vệ môi trường.
Tại buổi gặp gỡ, các diễn giả đến từ Tổng cục Môi trường đã giới thiệu chi tiết hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam đang khuyến khích và ưu đãi mạnh mẽ cho các DN đầu tư vào lĩnh vực môi trường. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có những thay đổi rất lớn. Từ điều 147 - điều 155 chính là các nguồn lực về bảo vệ môi trường, còn một số điều khác qui định về chính sách ưu tiên bảo vệ môi trường.
Theo đó, hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi từ đất đai, thuế, huy động nguồn vốn và các hỗ trợ khác về tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có điều khoản qui định về nguyên tắc ưu đãi: Đầu tư vào loại hình được nhiều ưu đãi thì nhà đầu tư sẽ được hưởng tất cả các ưu đãi và cộng dồn các ưu đãi đó; nếu đầu tư vào môi trường mà ở các văn bản khác có ưu đãi lớn hơn văn bản về bảo vệ môi trường thì nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi ở văn bản cao hơn…
Mối quan tâm của DN Nhật Bản
Tại buổi gặp mặt, các DN Nhật Bản đã rất quan tâm đến chính sách ưu đãi với hàng loạt các câu hỏi được đặt ra xoay quanh ưu đãi thuế như thế nào? Ai sẽ là khách hàng các sản phẩm công nghệ xanh của Nhật Bản? Với giá thành sản phẩm năng lượng xanh như điện đốt từ rác khá cao thì Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ như thế nào?…
Giải đáp các thắc mắc trên, ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho biết: Về chính sách ưu đãi, hiện chi phí tham gia hội thảo, triển lãm về lĩnh vực môi trường sẽ được trừ vào chi phí của DN. Thuế thu nhập DN cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này rất thấp, chỉ 10% cho 15 năm…
Về khuyến khích các nhà đầu tư vào năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời… hiện Chính phủ Việt Nam đã mua điện từ năng lượng mặt trời cao hơn thủy điện 40% (thủy điện 6 cent/1 kWh, điện mặt trời 9 cen/1kWh). Đối với điện đốt từ rác các DN Nhật có thể chủ động đề xuất ở mức hợp lý…
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các DN Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực môi trường của Việt Nam đang có nhu cầu cao là xử lý nước thải khu công nghiệp, xử lý thu gom chất thải rắn, rác thải y tế; sản xuất các sản phẩm công nghệ thân thiện với môi trường.