Tổng Thư ký VCCI Phạm Thị Thu Hằng (thứ 3 từ phải sang) tại buổi làm việc với giới chức NHO tại Oslo |
Nỗ lực này một lần nữa đã được tái khẳng định tại các cuộc làm việc nhân chuyến thăm Na Uy vừa qua của Tổng Thư ký Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Phạm Thị Thu Hằng.
Phát biểu tại cuộc làm việc hôm 2/11 ở Oslo, Tổng Giám đốc Liên đoàn giới chủ Na Uy (NHO) Kristin Skogen Lund và tiến sỹ Phạm Thị Thu Hằng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa NHO và VCCI trong những năm qua trên cơ sở thỏa thuận hợp tác ký giữa hai bên năm 2004.
Hợp tác giữa NHO và VCCI nằm trong khuôn khổ hợp tác phát triển do Chính phủ Na Uy tài trợ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Na Uy (NORAD) trực thuộc Bộ Ngoại giao Na Uy.
Thông qua dự án hợp tác với VCCI, NHO thúc đẩy hợp tác về dạy nghề, chia sẻ kinh nghiệm mô hình đào tạo dạy nghề ở Na Uy, với sự tham gia của doanh nghiệp và trường dạy nghề ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, hợp tác NHO và VCCI tập trung vào phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, chia sẻ kinh nghiệm về đối thoại ba bên giữa tổ chức giới chủ với người lao động và chính phủ, liên quan đến quan hệ lao động, cũng như luật pháp và chính sách phát triển công nghiệp.
Ông Kurt Nilssen, Trưởng Dự án Hợp tác về dạy nghề giữa NHO và VCCI cho biết, NHO tiến hành thí điểm mô hình đào tạo nghề của Na Uy ở bốn trường dạy nghề của Việt Nam.
Các trường dạy nghề đã lập ra hội đồng tư vấn với đại diện cơ quan chức năng, giáo viên dạy nghề và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Các trường và doanh nghiệp cũng hợp tác để cải tiến chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho giáo viên dạy nghề. Điều này đã tạo động lực quan trọng, khuyến khích các bên liên quan nhiệt tình tham gia một cách hiệu quả.
Ông Kurt Nilssen cho biết, việc thực hiện thí điểm đã được trường dạy nghề ở Việt Nam đánh giá tốt, đặc biệt là Trường Cao đẳng nghề Trường Hải, với sự tham gia hợp tác của Công ty Toyota Việt Nam.
Cải thiện dạy nghề, trên cơ sở hợp tác giữa trường và doanh nghiệp, tạo cho học viên có kỹ năng cần thiết để có thể đáp ứng yêu cầu của công ty tuyển dụng trong tương lai.
Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai cũng đề cập đến triển vọng mở rộng hợp tác về đào tạo nghề và phát triển doanh nghiệp giữa Na Uy và Việt Nam, đặc biệt với kinh nghiệm của Na Uy thực hiện thành công cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp tư nhân.
Hiện, các doanh nghiệp Na Uy đang nỗ lực mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Ông Tore Myhre, Trưởng Ban Quan hệ Quốc tế của NHO nhất trí cho rằng đây là cơ hội quan trọng để xem xét và triển khai các biện pháp mở rộng hợp tác giữa NHO và VCCI trong thời gian tới.
Tại Na Uy, học sinh muốn học nghề có thể chọn phân ban ngay từ khi bước vào bậc phổ thông trung học. Mô hình dạy nghề ở Na Uy được cải tiến từ năm 1976, kết hợp giữa giáo dục chung và dạy nghề.
Luật giáo dục đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan chức năng (ở cấp quốc gia là Bộ Giáo dục, Cục Giáo dục và Đào tạo), cơ quan chức năng của chính quyền địa phương nơi trường hoạt động, và các đối tác xã hội như doanh nghiệp.
Để có kỹ thuật viên tay nghề cao thì các công ty của Na Uy còn phải có chương trình đào tạo thợ và kỹ sư sau khi tuyển dụng.
Cùng với chiến lược phát triển doanh nghiệp và chú trọng đào tạo nghề nên nhiều doanh nghiệp Na Uy đã phát triển có sức cạnh tranh toàn cầu, ví dụ như tập đoàn Kverneland của Na Uy chuyên sản xuất máy cày và các máy nông nghiệp với chất lượng cao.