Việt Nam ở đâu trong cuộc đua điện hóa ô tô toàn cầu?
Xe động cơ đốt trong đã qua thời hoàng kim
Hiện /chu-de/xe-dien.topic, xe sử dụng khí hydro đã và đang hình thành và trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các nước châu Âu có lộ trình sớm hơn, năm 2035, các loại xe động cơ đốt trong sẽ bị cấm lưu hành tại các nước EU, nhiều nước như Bỉ, Đan Mạch, Ireland, Đức có kế hoạch thực hiện lộ trình này sớm hơn. Các đại cường sản xuất xe hơi khác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ cũng có kế hoạch cấm xe động cơ đốt trong từ năm 2035 trở đi.
Việt Nam lên kế hoạch bỏ dần xe động cơ đốt trong, sử dụng 100% xe điện từ năm 2050 |
Hầu hết các hãng xe lớn trên thế giới đã hiện thực hoá tham vọng chuyển đổi sang sản xuất xe điện, xe xanh thay vì xe động cơ đốt trong. Đức, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Nhật là nơi xe điện đã được nghiên cứu, ứng dụng nhiều nhất. Các hãng xe lớn như: BMW, Audi, Mercedes, Toyota, Honda, Ford… đều đã đưa xe điện vào sản xuất. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là nước đặt ra tham vọng đoạn tuyệt với xe động cơ đốt trong từ rất sớm vào năm 2035. Một nghiên cứu mới cho thấy, doanh số bán ô tô động cơ đốt trong chạy bằng xăng, dầu từng đạt đỉnh vào năm 2017 và sẽ không bao giờ quay trở lại mức từng đạt được trước đó.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đến nay khoảng 26 triệu xe điện được bán trên toàn cầu (bao gồm cả các xe plug-in hybrid), tăng 60% so với năm 2021. Trong năm 2023, dự đoán doanh số xe điện có thể đạt mức 14 triệu xe.
Nhu cầu xe điện cũng đang tăng mạnh tại khu vực Đông Nam Á. Theo công bố mới nhất của công cụ theo dõi xe điện tại Đông Nam Á, doanh số bán xe điện chạy pin (BEV) quý II/2023 trong khu vực đã tăng 894%, nhờ nhu cầu mạnh mẽ tại Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Trước đó theo thống kê, năm 2022, doanh số xe điện (EV) tại Đông Nam Á chiếm khoảng 2% tổng doanh số bán ô tô. Thái Lan đứng đầu khi ô tô điện chiếm tới 58% doanh số bán ô tô, tiếp theo là Indonesia và Việt Nam với lần lượt là 19,5% và 15,8%.
Thực tế cho thấy, công nghệ đối với phương tiện vận tải đường bộ không phát thải đã được phát triển và thương mại hóa rộng rãi trên thế giới dựa trên hai loại năng lượng điện và hydro.
Do mức độ sẵn sàng về công nghệ, hầu hết các nước phát triển đều đặt mục tiêu xe ô tô, xe mô tô, xe máy mới bán ra thị trường là xe không phát thải trong giai đoạn năm 2030 - 2040.
Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), tại Hội nghị COP26, 80 chính phủ đã nhất trí nâng cao trọng tâm chính sách thúc đẩy xe điện, sử dụng công cụ trợ cấp, giảm thuế, khuyến khích tiêu dùng và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Kết quả vào năm 2022, trên 26 triệu xe điện đã vận hành, tăng 60% so với năm 2021 và gấp 5 lần so với năm 2018. Trong đó, các quốc gia như: Ấn Độ, New Zealand, Úc đặt mục tiêu đạt 30% doanh số bán phương tiện không phát thải vào năm 2030 và 100% vào năm 2040. Canada, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc tài trợ hoặc trợ cấp cho việc mua xe điện, mua sắm phương tiện công cộng và cơ sở hạ tầng trạm sạc…
Tại Việt Nam, chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành Giao thông vận tải đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, sẽ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và sử dụng các loại phương tiện giao thông sử dụng điện; phát triển hạ tầng sạc điện để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp...
Đáng chú ý, năm 2040, Việt Nam sẽ hạn chế sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch; đến năm 2050, 100% ô tô, xe máy phải là xe điện, xe năng lượng xanh. Như vậy, tham vọng hạn chế, "đoạn tuyệt" với xe động cơ đốt trong của Việt Nam sẽ diễn ra sau các nước EU, Mỹ từ 5 đến 15 năm.
Mức độ sử dụng ô tô điện của Việt Nam ở ngưỡng nào trong khu vực?
Trong bối cảnh giải pháp di chuyển bền vững đang ngày càng được chú trọng, Vero, đơn vị tư vấn truyền thông thương hiệu tại ASEAN vừa phát hành báo cáo về tiềm năng phát triển và những rào cản hiện tại của ô tô điện tại Việt Nam.
Với dân số lên đến 98 triệu người, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc tiếp nhận xe máy điện, trở thành thị trường xe máy điện lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc. Tuy nhiên, mức độ sử dụng ô tô điện tại Việt Nam còn khá thấp so với thị trường chung của khu vực khi chỉ chiếm 0,7% tổng lượng ô tô điện bán ra ở thị trường Đông Nam Á, dù VinFast và tất cả các thương hiệu ô tô lớn trên toàn cầu đã ra mắt xe điện tại Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, xe điện hóa là xu hướng chung trên thế giới song ở Việt Nam bên cạnh VinFast đã tập trung sản xuất xe thuần điện, mới đây Tập đoàn Thành Công và TMT Motors cũng đã ra mắt xe sản xuất lắp ráp trong nước, số doanh nghiệp khác cũng mới chỉ đưa xe về để thăm dò thị trường, nên các dòng xe điện hóa chưa phổ biến tại Việt Nam.
Xe điện hóa là xu hướng chung trên thế giới song theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện tại ở Việt Nam có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển ngành này như: Mức thu nhập trung bình thấp, thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc, phạm vi hoạt động của xe điện còn hạn chế, chính sách ưu đãi đối với ô tô điện, cơ cấu nguồn điện tác động đối với môi trường từ quá trình sử dụng xe điện và tác động đối với môi trường từ quá trình sản xuất xe điện...
Theo nhìn nhận của các chuyên gia về ô tô, sản xuất ô tô điện cần 4 công nghệ cơ bản là: Tích lũy điện (pin), động cơ điện, máy đổi điện (sạc) và kỹ thuật điều khiển. Nếu mở rộng cho cả ngành công nghiệp, khi ô tô điện phát triển và khi điện trở thành nguồn năng lượng chính thay thế xăng dầu, lúc đó thị trường pin, động cơ điện và các máy đổi điện sẽ vô cùng quan trọng.
Từ những lý do trên, một số chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu và ban hành sớm các chính sách đồng bộ để thúc đẩy sản xuất xe điện và nhanh chóng làm chủ những công nghệ cơ bản này.
Hiện Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để phát triển nền công nghiệp ô tô nếu kịp thời nghiên cứu lộ trình chuyển tiếp từ sản xuất các loại ô tô dùng động cơ đốt trong sang xe sử dụng động cơ điện và nhiên liệu sạch nói chung với lộ trình hợp lý, xây dựng các chính sách hỗ trợ, chiến lược phát triển hiệu quả.