Việt Nam – Singapore: Tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch
Hướng tới mục tiêu chung
Trong buổi làm việc trực tuyến với ông Tan See Leng, Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương kiêm Bộ trưởng Bộ Lao động Singapore trung tuần tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên thế giới, nhất là châu Âu, Mỹ và Trung Quốc cho thấy năng lượng luôn là những vấn đề quan trọng được nhiều quốc gia tập trung giải quyết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để tăng trưởng 1% GDP phải có ít nhất 1,2 – 1,4% tăng trưởng về điện năng. Vì vậy, điện năng nói riêng và năng lượng nói chung bao giờ cũng phải đi trước một bước đặc biệt là trong bối cảnh phức tạp của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, một vấn đề đang được đặt ra là tăng trưởng điện, năng lượng phải rất cao nhưng đồng thời phải đạt mục tiêu năng lượng phải sạch hơn, điều này đặt ra những thách thức rất lớn với mỗi quốc gia. Việt Nam và Singapore đều có những cam kết với thế giới sẽ giảm lượng phát thải carbon vào giữa thế kỷ này. Vì vậy để đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng đồng thời đảm bảo những cam kết với các tổ chức là một thách thức lớn.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch điện VIII đến 2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, Việt Nam đang giảm dần các nhiên liệu sơ cấp, nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch như năng lượng tái tạo, điện khí, điện sinh khối. Singapore là quốc gia phát triển trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch, có kinh nghiệm và có khả năng giúp đỡ các quốc gia khác trong lĩnh vực này. Vì vậy, Bộ Công Thương Việt Nam bày tỏ mong muốn hai bên sẽ thúc đẩy chính phủ hai nước để hợp tác chặt chẽ hơn nhằm hướng tới mục tiêu phát triển trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Tiềm năng hợp tác
Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tan See Leng cho biết, một trong số các vấn đề quan tâm của Singapore trong hợp tác với Việt Nam là phát triển chiến lược giảm thải carbon thông qua năng lượng sạch như LNG.
Trong thời gian tới, Singapore sẽ tổ chức Hội nghị năng lượng quốc tế và tại sự kiện này, Singapore sẽ nghiên cứu các biện pháp để tăng khả năng nhập khẩu năng lượng tái tạo từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Thái Lan,...
Việt Nam và Singapore có tiềm năng hợp tác rất lớn trong lĩnh vực năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng khí tự nhiên được ứng dụng trong sản xuất bằng cách tận dụng mạng lưới điện ASEAN, từ đó có thể dần phát triển hợp tác trong các loại hình năng lượng sạch khác. Hiện nay, nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên, Singapore đang thử nghiệm nhập khẩu điện từ các nước láng giềng. Trong khi đó, Việt Nam được coi là quốc gia có tốc độ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo hàng đầu khu vực.
“Các biện pháp này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho cả hai nước chúng ta” – Ông Tan See Leng nhận xét.
Singapore hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam và cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, mối quan hệ song phương Việt Nam – Singapore luôn được cải thiện. Năm 2020, thương mại song phương đã đạt mức 17 tỉ USD và Singapore tiếp tục là nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 9 tỉ USD trong năm 2020. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các doanh nghiệp Singapore tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong rất nhiều ngành như tài chính, bảo hiểm, sản xuất, bán lẻ,…