CôngThương - Trong 10 nước thành viên ASEAN, có 9 nước (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) đã miễn thị thực cho công dân của nhau. Cho đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ, phổ thông với 74 nước trên thế giới, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho con người trong việc di chuyển để giao lưu, hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt nội dung và ký Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân (Hiệp định MNP) vào tháng 11/2012, cùng với những cam kết cụ thể của Việt Nam tại Biểu cam kết kèm theo hiệp định nhằm bảo đảm tính minh bạch và khả thi.
Trên thực tế, các quy định của Hiệp định MNP, những cam kết của Việt Nam về cơ bản phù hợp với những quy định pháp luật hiện hành về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài và các quy định về tuyển dụng, quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam như: Xét duyệt nhân sự cấp thị thực được giải quyết trong 5 ngày; những trường hợp vào Việt Nam với lý do khẩn cấp, nhân đạo hoặc theo chương trình du lịch... có thể được xem xét cấp thị thực tại cửa khẩu; người nước ngoài vào làm việc từ 3 tháng trở lên phải có giấy phép lao động, trừ các trường hợp được miễn là nhà đầu tư, thành viên hội đồng quản trị và chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần, người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện chào bán dịch vụ...; người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, làm việc lâu dài và có giấy phép lao động được xem xét cấp thẻ tạm trú có giá trị đến 3 năm (người mang loại thẻ này được miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam trong thời hạn của thẻ).
Quan hệ thương mại, đầu tư của khu vực ASEAN đang trên đà phát triển tốt đẹp. Thương mại giữa ASEAN và EU tăng lên đến 234,8 tỷ USD năm 2011; dòng vốn đầu tư trực tiếp từ EU vào ASEAN tới 18,2 tỷ USD. Năm 2012, EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN và tiếp tục là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN. Đối với Việt Nam, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu hàng đầu. Năm 2012, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 29,1 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang EU 20,3 tỷ USD và nhập khẩu từ EU 8,8 tỷ USD. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là: Giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản. EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến hết tháng 10/2012, EU có 1.781 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 33,4 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp và xây dựng. |