Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh quyết định của Nghị viện Châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA và EVIPA vào tháng 2/2020 và quyết định phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam khẳng định mạnh mẽ mong muốn, lợi ích và quyết tâm của hai bên tiếp tục nâng tầm và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam – EU sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đề nghị các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam và các cơ quan của EU tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đưa Hiệp định EVFTA sớm có hiệu lực, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên. Thứ trưởng cũng đề nghị các nước thành viên EU hoàn thành phê chuẩn Hiệp định EVIPA trong thời gian sớm nhất.
Chúc mừng các cơ quan Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã hoàn thành tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA, Đại sứ EU Giorgio Aliberti khẳng định việc hai bên thông qua hai Hiệp định là dấu mốc lịch sử, tạo các khuôn khổ quan trọng thúc đẩy mạnh quan hệ thương mại, đầu tư và quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam – EU. Phía EU khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA và thúc đẩy các nước thành viên sớm phê chuẩn EVIPA.
Hiệp định EVFTA và EVIPA là các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Hiệp định dự kiến sẽ thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban Châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035. Theo quy định của Hiệp định, sau khi Việt Nam chính thức trao các Công hàm thông báo quyết định phê chuẩn hai Hiệp định, EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày 01/8/2020. Hiệp định EVIPA sẽ có hiệu lực sau khi được Quốc hội tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn.
Theo thông tin của Bộ Công Thương, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV đã chính thức ban hành Nghị quyết số 102/2020/QH14 ngày 08 tháng 6 năm 2020 về phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Cụ thể, Quốc hội phê chuẩn toàn bộ văn kiện của Hiệp định EVFTA với 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề bao gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng phê chuẩn việc áp dụng Hiệp định EVFTA đối với Anh trong thời gian từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu về việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu). Kèm theo Nghị quyết là danh mục các quy định của Hiệp định EVFTA được Việt Nam áp dụng trực tiếp khi triển khai Hiệp định và danh mục các văn bản luật cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiệp định. Như vậy, Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước đối với việc phê chuẩn Hiệp định.
Tiếp theo, Việt Nam sẽ thông báo với EU về việc các hoàn tất các thủ tục nội bộ và thống nhất với phía EU về thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA. Theo quy định, EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà các Bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định này có hiệu lực; hoặc các Bên cũng có thể thỏa thuận với nhau để lựa chọn một ngày khác để đưa Hiệp định vào thực thi.
Việc Quốc hội Việt nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA đánh dấu một mốc quan trọng trong chặng đường dài đàm phán, ký kết, và hoàn tất phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Trong quá trình đó, với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước cũng như sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các cấp, các ngành, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng nâng mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Liên minh châu Âu lên một tầm cao mới nói riêng và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước.