Việt Nam và EU ký hiệp định khung tháng 10 năm ngoái bên lề Hội nghị cấp cao ASEM 8 tại Brussels. Ảnh: Chinhphu.vn
CôngThương - Sau hiệp định khung được ký kết hồi tháng 10 năm ngoái bên lề Hội nghị cấp cao ASEM 8 tại Brussels dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso, hiệp định ký ngày 12/9 chính thức thiết lập một khuôn khổ hợp tác mới cho hai bên sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao CHLB Đức Werner Hoyer, người thay mặt Chính phủ CHLB Đức cùng đại diện các nước thành viên EU ký kết cho hay, hiệp định sẽ là một "nền tảng vững chắc" cho quan hệ hai bên.
Chính phủ CHLB Đức ủng hộ việc thắt chặt mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. Liên minh châu Âu sẽ vẫn tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước với tốc độ phát triển kinh tế năng động trong khu vực Đông Nam Á là đối tác quan trọng không chỉ với CHLB Đức mà cả với Liên minh châu Âu.
Hiệp định ký kết tạo một nền tảng vững chắc cho việc phát triển mối quan hệ song phương trong tương lai cũng như quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với EU mà qua đó CHLB Đức sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Hiệp định Đối tác và Hợp tác ký kết với Việt Nam cũng góp phần củng cố mối quan hệ chính trị giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung", ông Hoyer phát biểu.
EU cho rằng Hiệp định Đối tác và Hợp tác giữa EU với Việt Nam tạo điều kiện khung cho việc phát triển các mối quan hệ chính trị giữa các bên ký kết.
"Việc ký kết hiệp định cũng thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của EU về hợp tác chính trị và kinh tế đến sự tăng trưởng của khu vực châu Á, mở ra các cơ hội hợp tác mới trong một số lĩnh vực quan trọng như biến đổi khí hậu, năng lượng, khoa học và công nghệ", thông cáo chung của EU cho hay.
Sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, EU và Việt Nam muốn "làm mới" quan hệ song phương theo hướng thực chất, sôi nổi hơn thông qua Hiệp định ký kết nói trên. Đây là khuôn khổ cho việc xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện và lâu dài giữa Việt Nam và EU trong thế kỷ 21.
Theo đó, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, năng lượng, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, nông, lâm ngư nghiệp, quản lý và khắc phục hậu quả thiên tai, khắc phục hậu quả chiến tranh..., cho phép hai bên hợp tác hiệu quả hơn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực quốc gia đối phó với khủng hoảng hay ngăn chặn và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Cùng với hiệp định trên, hai bên đang xúc tiến việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương (FTA).