Theo đó, LienVietPostBank tiếp tục triển khai và hoàn chỉnh các chương trình, dự án chiến lược như: phát triển sản phẩm, dịch vụ, quản trị rủi ro, tổ chức vận hành, nhân sự, công nghệ thông tin... Ngân hàng sẽ tập trung nguồn lực phát triển kinh doanh trong các lĩnh vực kinh doanh chủ đạo và đồng thời kiểm soát chất lượng tăng trưởng dư nợ ngay từ 6 tháng đầu năm 2015: triển khai các chiến dịch bán hàng quy mô lớn, chăm sóc khách hàng và bán chéo sản phẩm giữa các kênh bán hàng truyền thống và các kênh thay thế mới, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Chia sẻ thêm thông tin bên lề hội nghị triển khai nhiệm vụ của LienVietPostBank năm 2015 và công bố kết quả kinh doanh 2014, diễn ra ngày 27/3/2015, TS. Nguyễn Đức Hưởng nhấn mạnh: “Năm nay, một điểm mới đặc biệt và duy nhất so với các ngân hàng khác khi LienVietPostBank là ngân hàng đầu tiên cho ra đời “Tài khoản lưỡng tính” tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay và gửi tiền. Trong điều kiện nguồn vốn đang dư thừa, ngân hàng đã thực hiện phương châm chủ động đi tìm khách hàng bằng việc các là cán bộ ngân hàng phải tổ chức nghiên cứu kinh tế, tìm ra các đối tượng đầu tư. Chẳng hạn như việc phát triển cây mắc ca, cán bộ tín dụng ngân hàng phải là người nông dân thực thụ để hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng mắc ca hiệu quả vào 5 – 7 năm tới, LienVietPostBank sẽ dành 20.000 – 22.000 tỷ đồng để cho vay phát triển mắc ca tại Việt Nam”.
Được biết, sau 7 năm xây dựng và phát triển, quy mô của LienVietPostBank đã có sự tăng trưởng gấp nhiều lần so với thời điểm mới đi vào hoạt động năm 2008 với mạng lưới gần 100 chi nhánh/phòng giao dịch và hơn 10.000 điểm cung cấp dịch vụ trên hệ thống Phòng giao dịch bưu điện trên toàn quốc.
Năm 2014, LienVietPostBank tăng trưởng mạnh về tổng tài sản và một số chỉ tiêu khác, đặc biệt, đã hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu Dự phòng để đảm bảo dữ liệu kinh doanh luôn được sao lưu, cập nhật liên tục. Tính đến 31/12/2014, tổng tài sản của ngân hàng tăng từ 7.453 tỷ đồng lên 100.800 tỷ đồng, tăng 14 lần và hiện đang dẫn đầu so với các ngân hàng thương mại cổ phần ra đời cùng thời điểm; huy động vốn đạt 91.759 tỷ đồng, tăng 24 lần; dư nợ đạt 50.076 tỷ đồng, tăng 19 lần; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng ở mức 1,23%. Sau 7 năm hoạt động, tổng lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt gần 5.000 tỷ đồng, bình quân hơn 700 tỷ đồng/năm, tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt được duy trì hàng năm và đảm bảo ở mức trung bình 10 - 15%/năm. Đáng chú ý là hoạt động kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng đã có bước phát triển đột phá. Tính riêng trên thị trường liên ngân hàng, doanh số giao dịch ngoại tệ của LienVietPostBank năm 2014 tăng gần 40% so với năm 2013. Doanh số giao dịch ngoại tệ của LienVietPostBank với Ngân hàng Nhà nước cũng tăng mạnh, đạt hơn 1,5 tỷ USD, tiếp tục nằm trong nhóm ngân hàng có giao dịch ngoại tệ nhiều nhất với Ngân hàng Nhà nước.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về các vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông nghiệp - nông thôn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, LienVietPostBank đã có điều chỉnh chính sách lãi suất nhanh nhạy nhằm hạ lãi suất tín dụng; tham gia tài trợ vốn cho nhiều dự án lớn, trọng điểm của quốc gia; hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.