Vốn vào bất động sản tăng mạnh: Chưa vội mừng
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 7 tháng đầu năm, cả nước thu hút dược 12,94 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2015. Số vốn này tập trung tại 19 ngành, lĩnh vực, trong đó riêng lĩnh vực kinh doanh BĐS thu hút 956,1 triệu USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây cũng là lĩnh vực đứng thứ hai về sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Không chỉ hấp dẫn đầu tư trực tiếp, theo ông Đặng Xuân Minh - Phó Trưởng ban Tổ chức M&A Việt Nam 2016 - riêng 7 tháng đầu năm, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3 tỷ USD, trong đó giá trị thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS đạt khoảng 1 tỷ USD, chiếm hơn 30%.
Trong báo cáo tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong 7 tháng đầu năm do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây cũng cho thấy, 7 tháng đầu năm, lĩnh vực kinh doanh BĐS có 1.611 DN đăng ký mới, tăng 108,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng, các báo cáo thời gian qua đã cho thấy, lĩnh vực BĐS hiện đang có sức hấp dẫn khá lớn với các nhà đầu tư, song chưa đủ cơ sở để khẳng định xu hướng này kéo dài hay chỉ mang tính thời điểm. Ông Dương cũng lưu ý, nếu sự tăng trưởng trên mang tính bền vững, ổn định, đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế, tạo giá trị tăng và kéo theo sự phát triển của các ngành khác thì đó là một tín hiệu tốt; ngược lại, nếu ngành này tăng trưởng quá “nóng”, không đi kèm những giá trị thực, sẽ tạo áp lực lớn lên lãi suất, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của những ngành, lĩnh vực khác.
Đặc biệt, “trong bối cảnh nợ xấu và chất lượng tài sản bảo đảm vẫn tiếp tục là mối quan ngại hàng đầu của nền kinh tế, ảnh hưởng đến mức độ bền vững của tăng trưởng thì với việc tín dụng tăng trưởng mạnh (18%) trong những tháng đầu năm, các cơ quan chức năng cần theo dõi dòng chảy của vốn vào lĩnh vực kinh doanh BĐS, bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu vốn giữa các khu vực, từ đó có những ứng phó kịp thời, hiệu quả” - ông Dương khuyến nghị.