Vụ đánh hội đồng nam sinh ở Hà Nội: Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”
Mới đây, trên mạng xã hộilan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh một nhóm người trong đó có 4 nam và 1 nữ, kéo một nam sinh từ quán Internet ra ngoài để hành hung. Đoạn clip ghi lại cảnh nhóm người liên tục đánh, đạp vào người nam sinh. Mặc dù nam sinh quỳ gối xin tha, tuy nhiên nhóm người trên vẫn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.
Điều đáng nói, sau khi clip đăng tải lên mạng xã hội, nhiều thông tin bình luận trái chiều đổ dồn vào người phụ nữ được cho là giáo viên một trường mầm non trên địa bàn. Nhiều thông tin cho rằng, sự việc ban đầu xuất phát từ mâu thuẫn giữa 2 em học sinh. Sau đó, mẹ của 1 trong số 2 em này (được cho là nữ giáo viên mầm non) và một số người khác đã đánh hội đồng em còn lại.
Trước thông tin trên, lãnh đạo UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) đã lên tiếng xác nhận, quá trình xác minh bước đầu cho thấy, vụ việc xảy ra trên địa bàn xã Kim Chung. Người phụ nữ có hành động đánh nam sinh học cấp 2, là giáo viên của một trường mầm non tư thục trên địa bàn.
Hiện tại, các cơ quan chức năng huyện Đông Anh vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ vụ việc. Thế nhưng, dư luận đã phản ứng mạnh mẽ và đặt ra câu hỏi tại sao nhóm người lớn trên không tìm cách giải quyết có tình, có lý, thay vì việc phải động chân, động tay? Ngoài ra, việc một giáo viên mầm non có hành động đánh hội đồng người khác là rất đáng lên án, chứ chưa nói đối tượng bị đánh lại là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.
Hình ảnh nam sinh bị đánh được camera ghi lại |
Nhiều ý kiến cho rằng, hành động của nữ giáo viên là vi phạm đạo đức nhà giáo bởi, theo quy định tại Điều 6 Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về đạo đức nghề giáo có nêu rõ, cần giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo. Trong đó, không được xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác.
Hầu hết mọi người đều cho rằng, việc làm trên của nữ giáo viên mầm non đã làm xấu đi hình ảnh của ngành giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Thế nhưng, dù thế nào thì nếu vụ việc trên không được xử lý quyết liệt, nghiêm minh, chắc chắn không răn đe được những đối tượng thích dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Trong vụ việc trên, nếu đúng là nguyên nhân bởi mâu thuẫn giữa hai học sinh trong đó có con của nữ giáo viên mầm non, mặc dù chưa biết ai đúng, ai sai, nhưng những hành động của nhóm người này đáng lên án. Chưa kể đến việc nếu hành vi đánh người gây thương tích trên ảnh hưởng đến sức khỏe của nam sinh, thì cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ vào cuộc xử lý. Bên cạnh đó, nơi đang quản lý người giáo viên mầm non kia có thể sẽ xem xét để đưa ra hình thức xử lý thích đáng.
Ở đây, cũng cần có cái nhìn khách quan khi chúng ta đặt vào vị trí của người nữ giáo viên nếu có con cái xảy ra mâu thuẫn với bạn bè, để hiểu tâm lý của các bậc làm cha, làm mẹ. Nếu thấy con cái rơi vào trường hợp đó, dù có thế nào thì cha mẹ cũng đau, cũng xót và sẽ bộc lộ tình cảm thương con. Thế nhưng, làm sao để thương cho đúng là vấn đề mà các bậc cha mẹ cần đặc biệt quan tâm.
Không ít trường hợp, những bậc cha mẹ rất mực thương con và lúc nào cũng bênh con bất chấp đúng sai, nhưng “thương con như thế bằng mười hại con”. Họ đâu có biết rằng, chính những hành động bạo lực ấy có thể phản tác dụng đối với chính con cái của họ. Lần này phụ huynh đứng ra bênh con bằng cách đánh bạn, nhưng nó có thể sẽ hình thành tính cách của con cái là ỷ lại, hoặc cậy thế bố mẹ, người thân qua cách giải quyết mâu thuẫn đầy bạo lực.
Có thể nói, hệ lụy của việc dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn là rất lớn. Bởi vậy, bản thân những nhà giáo khi đứng trong ngành giáo dục thì cần tu dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh và tuân thủ pháp luật. Đừng vì những hành động thiếu suy nghĩ mà làm xấu đi hình ảnh của ngành giáo dục và ảnh hưởng đến chính tương lai của những người trong cuộc.