Huỳnh Trần Ý Nhi đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Nhìn lại Top 3 Miss World Vietnam 2023 - Hoa hậu Thế giới Việt Nam |
Chỉ sau mấy ngày đăng quang, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi đã khiến dư luận “dậy sóng” với các chia sẻ về chuyện cá nhân đến so sánh bản thân với người đồng trang lứa rằng khi bạn bè chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì cô đã tham dự cuộc thi hoa hậu.
Lùm xùm về những phát ngôn vạ miệng chưa lắng, Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi tiếp tục gặp “họa” khi trả lời phỏng vấn. Trước câu hỏi: Hãy kể tên ba người nổi tiếng quê ở Bình Định”, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 cho biết: “Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung”. Câu trả lời của Ý Nhi lập tức làm bùng nổ chỉ trích từ cư dân mạng.
Nhiều người cho rằng việc Ý Nhi tự cho mình là người nổi tiếng dù chỉ mới đăng quang cách đây không lâu, thậm chí là kể tên trước cả vua Quang Trung là việc làm thiếu khiêm tốn, thiếu tôn trọng đối với những nhân vật huyền thoại trong lịch sử nước nhà. Thậm chí Tiến sĩ văn học Đoàn Hương khi nghe Ý Nhi so sánh bản thân với Hàn Mặc Tử, vua Quang Trung, bà cho rằng không thể tha thứ được.
Thêm vào đó, việc cô cho rằng nhà thơ Hàn Mặc Tử quê ở Bình Định cũng khiến nhiều người ngán ngẩm vì sai kiến thức cơ bản. Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí (1912 - 1940), ông sinh ra tại làng Mỹ Lệ, Đồng Hới, Quảng Bình nhưng lớn lên ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Các diễn đàn hội nhóm trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các lời kêu gọi tẩy chay Huỳnh Trần Ý Nhi, đòi Ban tổ chức Miss World Vietnam 2023 tước vương miện của người đẹp, hủy bỏ suất đi thi Miss World 2024. Trước sự giận dữ của công chúng buộc "bà trùm hoa hậu" Phạm Kim Dung và Hoa hậu Ý Nhi phải lên tiếng xin lỗi hai lần. Tuy nhiên, làn sóng "tẩy chay" người đẹp hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.
Trước Ý Nhi, nhiều nàng hậu của Việt Nam cũng đã bị chỉ trích dữ dội vì các phát ngôn thiếu cẩn trọng. Như, "không thích đàn ông ki bo" của Hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên; Hoa hậu Đại dương 2017 Lê Âu Ngân Anh khi bị chê nhan sắc đã tự tin trả lời báo chí: "Tôi đăng quang xứng đáng, không trả lại vương miện", "Tôi nổi trội cả về trí tuệ lẫn hình thể", "Tôi tự tin về chiều cao tốt, sắc vóc tốt, hình thể đẹp, gương mặt xinh”, “Tôi nghĩ sau độn mũi rồi tháo ra thì vẫn là mũi tự nhiên", "Tôi đã sửa mũi nhưng môi là tự nhiên”... Hay Hoa hậu Đoàn Thiên Ân cũng từng có phát ngôn gây tranh cãi khi bị loại khỏi đấu trường quốc tế Miss Grand International rằng: "Tôi không tệ đến mức bị loại khỏi Top 10".
Về phản ứng gay gắt của dư luận đối với phát ngôn của Hoa hậu Ý Nhi, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội chia sẻ với Vuasanca rằng đây là quyền tự do ngôn luận của cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, theo ông với một cách nhìn chung, các cuộc thi hoa hậu và hoạt động của các hoa hậu nên đồng hành một cách có trách nhiệm xã hội. Các thí sinh và những người đoạt giải hoa hậu nên sử dụng vai trò và tầm ảnh hưởng của mình để lan tỏa các thông điệp tích cực, xây dựng và mang lại lợi ích cho cộng đồng. “Để đạt được điều này, các cuộc thi hoa hậu và các hoa hậu cần nên được trang bị đầy đủ kiến thức về văn hóa, xã hội, các vấn đề toàn cầu để có thể phát biểu một cách thấu đáo và đúng đắn”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, họ cần sử dụng sức mạnh của truyền thông để phổ biến các thông điệp tích cực đối với xã hội. Họ có thể tận dụng các mạng xã hội, phương tiện truyền thông và các hoạt động từ thiện để lan tỏa thông điệp của mình. Hoa hậu nên thu hút sự chú ý và hỗ trợ các vấn đề xã hội như giáo dục, y tế, môi trường và cuộc sống của những người gặp khó khăn.
Mặt khác, họ nên được tạo cơ hội để gặp gỡ và làm việc với các cộng đồng, nghe và hiểu nhu cầu của người dân để có thể đóng góp một cách tốt nhất cho xã hội. Với các hoạt động và phát ngôn như vậy, cuộc thi hoa hậu và các hoa hậu có thể xứng đáng với danh hiệu và đóng góp tích cực cho xã hội.
Hơn thế, từ những phát ngôn gây sốc của các người đẹp bước ra từ các cuộc thi nhan sắc, theo PSG.TS. Bùi Hoài Sơn, việc tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, trong đó có các cuộc thi người đẹp là vì nhiều mục đích khác nhau.
Đó có thể là mục đích chính trị để quảng bá hình ảnh, uy tín của địa phương, có thể vì văn hóa để huy động sự quan tâm của người dân đến những giá trị văn hóa được tích hợp trong sự kiện, có thể là lý do kinh tế như phát triển du lịch, thu hút đầu tư... Các cuộc thi sắc đẹp, vì thế, có thể đưa ra những lý do thuyết phục khác nhau để được phép tổ chức.
Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, bên cạnh một số cuộc thi sắc đẹp nghiêm túc, có tác động thực sự theo nghĩa tích cực, thì đa phần các cuộc thi sắc đẹp nở rộ khá "vô bổ", bị chi phối bởi lợi ích kinh doanh và không hoàn toàn bởi việc tôn vinh vẻ đẹp hình thể và tri thức của phụ nữ. Điều này sẽ rất tai hại khi các cuộc thi được tổ chức lan tràn, vô hình chung ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc thi nghiêm túc và hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ. Vì thế, mới có dư luận về việc tổ chức thi người đẹp để phục vụ “đại gia”, mua bán giải hay nhiều thông tin tiêu cực khác khiến cho chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về các cuộc thi sắc đẹp.
"Các cơ quan quản lý Nhà nước ở trung ương và địa phương cân nhắc kỹ lưỡng việc tổ chức, cấp phép tổ chức các cuộc thi hoa hậu; các cơ quan truyền thông cân nhắc trong việc tuyên truyền cho các cuộc thi; xử phạt nghiêm các sai phạm trong tổ chức thi sắc đẹp"- PGS.TS Bùi Hoài Sơn kiến nghị.