Trong những ngày qua, nhiều trang báo điện tử có bài viết phản ánh tình trạng kinh doanh cá ươn, cá bốc mùi thối không đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Dịch Vọng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, ngặn chặn kịp thời các hành vi kinh doanh sản phẩm cá không đảm bảo an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Thành phố Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức xác minh thông tin phản ánh nói trên.
Cục này đề nghị thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm các cơ sở; truy xuất nguồn gốc các loại sản phẩm cá; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nếu có.
Trước đó, theo tờ Khám phá, tại chợ đầu mối Dịch Vọng, khu vực buôn bán cá dù được tách riêng với “tường cao, vách kín” so với những gian hàng thực phẩm khác, nhưng vẫn luôn tấp nập kẻ bán người mua vào mỗi buổi sáng hàng ngày.
Điều đáng nói là các loại cá ở đây đa số đã chết ươn, thậm chí là đã bốc mùi nhưng vẫn rất đắt hàng. Theo tìm hiểu của phóng viên đa số khách đến mua cá là những người có thu nhập thấp như: sinh viên, công nhân, quán cơm bình dân…
Chia sẻ với phóng viên, bạn Trần Thị Huyền Trâm, sinh viên khoa Quản trị Chế biến món ăn (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) cho biết, dù biết là cá không còn tươi ngon, nhưng do điều kiện sinh viên khó khăn, cộng thêm việc phải thực hành chế biến món ăn, nên phải ra chợ đầu mối để mua cho rẻ.
“Em lấy ví dụ như mình mua một con cá rô phi tươi ngon, có trọng lượng khoảng 0,5 đến 0,7 kg thì giá khoảng 40 đến 45 nghìn đồng/1kg, nhưng ra chợ đầu mối mua giá chỉ có 18 nghìn đồng/kg, như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí rất nhiều”, bạn Trâm chia sẻ.
Ngoài sinh viên, loại cá này còn được bán khá phổ biến cho những quán cơm bình dân hoặc những người công nhân lao động. Theo chia sẻ của cô Thìn (quê Thanh Hóa) đang nấu ăn cho một công trình xây dựng trên đường Lê Văn Lương (kéo dài) cho biết: “Mình thường mua cá rô phi ở chợ này về nấu cho thợ ăn mà có làm sao đâu”.
Theo cô Thìn, do không phải hôm nào cũng ăn món cá, nên khi nào muốn mua thì phải ra đặt trước, nếu là khách quen, đặt với số lượng nhiều (trên 10 kg) thì giá rất mềm chỉ khoảng 15 nghìn đồng/kg.
Khi hỏi lý do vì sao cá ươn mà vẫn chọn mua? Cô Thìn thẳng thắn: “Nếu mua cá tươi ngon thì phải là cá to, tiền to mà số tiền công ty giao lại có hạn. Bởi vậy, mình phải cân đối giữa các ngày và các món mới có thể đủ được”.
Qua đó có thể thấy rằng, lý do chính khiến mọi người dù biết là cá ươn, cá thối nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ đó chính là ham giá rẻ và phục vụ cho bữa ăn tập thể. Tuy nhiên, với số lượng cá rất lớn, người mua cũng không thể giải quyết hết được. Vậy số cá ươn còn lại sẽ được các tiểu thương xử lý như thế nào?
Đó là thực tế ngày nào cũng diễn ra tại chợ đầu mối Dịch Vọng. Cứ khoảng từ 8 giờ 30 phút trở đi, bất kỳ khách hàng nào qua khu vực bán cá của chợ cũng nhìn thấy cảnh tượng mất vệ sinh từ đầu đến cuối.
Theo đó, số lượng cá không bán được đã có hiện thượng thối rữa, các tiểu thương tập trung lại và tiến hành lọc thịt riêng, xương riêng ngay dưới nền gạch nhơ nhớp, bẩn thỉu. Sau khi lọc xong, không cần nước rửa tất cả những miếng cá đã được lọc này sẽ được gom vào các túi nilon lớn để bán ra thị trường.
cá thối
Cá ươn thối được các tiểu thương trực tiếp lọc dưới nền gạch nhơ nhớp và chỉ được rửa qua bằng chậu nước đã bốc mùi.
Trong vai một khách hàng mua cá, phóng viên có thắc mắc về việc mất vệ sinh và lượng cá lọc này sẽ bán cho ai? Không ngần ngại, một tiểu thương ráo ngoảnh trả lời: “Làm gì có của vứt đi, cả yến (10kg = 1 yến) cá của người ta chứ có ít đâu”, mà đây là mới chết chứ làm gì có cá ươn, cá thối”.
Theo tiết lộ của các tiểu thương giá của mỗi kg cá lọc thành phẩm chỉ có khoảng 12.000 đồng/1kg và có người đến tận nơi lấy, nếu không tự mình sẽ đi giao đến nơi đặt hàng với giá 15.000 – 20.000 đồng tùy chất lượng cá to hay bé. Số còn lại là đầu đuôi, xương cá sẽ được bán cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn và sẽ được họ đến tận nơi gom hàng.
Các tiểu thương cho biết thêm, trước đây đa số khách hàng đến tận nơi nhập hàng cả con về họ tự lọc, nhưng thời gian gần đây họ đặt các chủ cá tự lọc và họ chỉ lấy cá thành phẩm. “Tuy mất thời gian nhưng để vớt vát lại đồng vốn chúng tôi vẫn phải gắng làm”, một tiểu thương cho biết.
Như vậy, với 20 tiểu thương buôn bán cá tại chợ đầu mối Dịch Vọng, mỗi quầy hàng cá sẽ tồn đọng đến cuối chợ khoảng 20kg cá thành phẩm ươn, thối đã lọc sẵn, vậy số cá này sẽ đi đâu, về đâu và ai là những người sẽ tiêu thụ chính vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ!?