Nâng cao chất lượng nguồn nước và điều chỉnh quy hoạch thủy điện và thủy lợi
CôngThương - Cụ thể, giai đoạn 2011- 2015, BĐKH trên địa bàn tỉnh Điện Biên biểu hiện bởi sự thay đổi nhiệt độ và lượng mưa, trong đó tần suất và cường độ các trận lũ quét, mưa lớn được dự báo gia tăng. Để ứng phó, Điện Biên xây dựng các giải pháp như sau: Trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp tăng cường xây dựng các công trình thủy lợi mới, cải tạo nâng cấp các công trình hiện có để nâng cao năng lực tích trữ nước dự trữ cho mùa khô hạn; xây dựng các công trình kè chống xói lở bên bờ sông, suối, nạo vét kênh mương, hồ chứa và các biện pháp chống xói mòn; chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai.
Trong lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn đề ra mục tiêu giảm thiểu nguy cơ suy thoái - cạn kiệt nguồn nước, cảnh báo các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan, nâng cao chất lượng nguồn nước và điều chỉnh quy hoạch thủy điện - thủy lợi phù hợp. Các giải pháp được đưa ra trong lĩnh vực xây dựng quy hoạch khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn tài nguyên nước; điều tra các nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt làm cơ sở đề xuất các biện pháp khắc phục bảo vệ; tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, làm tốt công tác cấp phép khai thác sử dụng, xả nước thải vào môi trường. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thích ứng BĐKH trong xây dựng đô thị, phát triển, sử dụng năng lượng, giao thông, vật liệu xây dựng, thoát nước...
Với mục tiêu nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe người dân trong điều kiện gia tăng các loại bệnh do BĐKH, tỉnh Điện Biên đặt ra giải pháp điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm diễn biến thời tiết; đồng thời phát triển nguồn nhân lực y tế đủ sức hoàn thành nhiểm vụ phát triển và xử lý các loại bệnh nhiệt đới, bệnh lạ phát sinh do tác động BĐKH. Trong lĩnh vực quản lý đa dạng sinh học, tỉnh đặt ra mục tiêu bảo đảm nơi cư trú của các loài và bảo vệ hệ sinh thái bản địa trước tác động của BĐKH. Để đạt được mục tiêu này cần thực hiện các giải pháp: Quy hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Mường Phăng; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ đa dạng sinh học; thành lập các đơn vị sự nghiệp để nghiên cứu và thực hiện các hoạt động bảo tồn thiên nhiên...
Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên: Trong vòng 30 năm trở lại đây, thiệt hại do lụt bão, BĐKH trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng gần 804 tỷ đồng. Trong đó, những năm 2005 - 2006 chỉ thiệt hại từ 8 - 9 tỷ đồng mỗi năm thì năm 2011 đã tăng lên trên 100 tỷ đồng, năm 2012 thiệt hại lên tới trên 207 tỷ đồng. Thiên tai đã làm 317 người chết, 87 người bị thương, gần 30 ngàn ngôi nhà bị đổ, ngập, trôi, lún; gây thiệt hại 33 ngàn ha lúa ruộng, trên 2.300 công trình thủy lợi...