Dự án tiền tỷ dở dang đang được phơi sương.
CôngThương - Đầu tư để “dở khóc dở cười”
Ông Nguyễn Đăng Tịnh- Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Dầu khí Nghệ An- cho biết: Mặc dù công ty đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vừa qua công ty đã làm việc với bảo hiểm xã hội Nghệ An hoàn thiện mọi thủ tục chốt được bảo hiểm cho những lao động đến tuổi nghỉ chế độ và những lao động có nguyện vọng chuyển công tác. Theo đó, công ty đã hoàn thành được bảo hiểm cho 45 lao động, trong đó có 12 người chuyển việc còn lại là đến tuổi nghỉ chế độ và tạm hoãn hợp đồng lao động khoảng 40 người.
Cũng theo ông Tịnh, những lao động còn lại ở công ty cũng đang rất khó khăn, từ tháng 2/2014 đến nay chưa có lương, vì dự án của nhà máy đầu tư từ những năm 1996- 1997, đến nay công nghệ cũ kỹ, máy móc xuống cấp nên hiệu quả rất thấp. Do “thu không đủ bù chi”, khói bụi từ nhà máy đã ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường xung quanh nên dự kiến đến năm 2015 nhà máy này bắt buộc phải đóng cửa. Nếu nhà máy không đầu tư mới thì khi đó hơn 400 lao động không biết đi đâu về đâu. Công ty đã kêu gọi đối tác liên doanh, liên kết để chuyển hướng đầu tư máy móc thiết bị có công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn với các bản hợp đồng đều dở dang. Đến năm 2009 may mắn được thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) là Công ty cổ phần Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) hợp tác tới 97% cổ phần tại dự án Xi măng Dầu khí Nghệ An. Hy vọng đây là đối tác tiềm năng về tài chính.
Dự án được nâng công suất lên 600.000 tấn/năm, với tổng mức đầu tư là 814 tỷ đồng và đã triển khai xây dựng được khoảng 95% khối lượng công việc cửa dự án. Tuy nhiên, từ tháng 6/2013 đến nay dự án lại dừng triển khai, đến nay chưa khởi động lại vì thiếu vốn đầu tư.
Theo ông Tịnh, nếu dự án cứ kéo dài theo đà này thì chỉ tới tháng 6/2015 “lãi mẹ đẻ lãi con” sẽ "phình" giá trị dự án lên tới 315 tỷ đồng, trong khi lập dự án ban đầu chỉ có 28 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã rất nhiều lần cùng nhà thầu tốn nhiều công sức giải trình và kiến nghị tới Chính phủ và Chính phủ đã cho phép PVC rà soát lại, nếu dự án khả thi cho triển khai tiếp.
Ông Tịnh- cho biết: Nếu dự án sớm hoàn thiện thì chỉ mất khoảng 8 tháng sẽ cho ra được sản phẩm và tỉnh Nghệ An đã đưa ra phương án sẽ bao tiêu khoảng 50% công suất của nhà máy (khoảng 200 đến 250 ngàn tấn/năm) cho 5 năm đầu để bê tông hóa kênh mương, đường…, thực hiện chương trình nông thôn mới. Số còn lại, công ty sẽ cung cấp cho các công trình trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Lào. |
“Giằng co” lo vay vốn làm tăng chi phí
Thực tế đang có sự giằng co giữa các bên, chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Tiến Thành- Phó Tổng giám đốc PVC- cho rằng: Nếu vay tín dụng để tiếp tục hoàn thiện dự án mà ngân hàng nhất trí cho vay với lãi suất 7% thì dự án mới hiệu quả, còn nếu lãi suất cao tới 9% thì dự án hoạt động không hiệu quả, PVC sẽ không thể đầu tư tiếp.
Nhưng theo ông Tịnh, chênh lệch giữa lãi suất 7% và 9% tính cho hết vòng đời dự án sẽ chênh lệch không lớn (từ 25 đến 30 tỷ đồng). Ngược lại, nếu cứ giằng co giữa lãi suất vay 7% và 9% mà để dự án kéo dài thì lãi suất ngân hàng mỗi tháng mất thêm khoảng 7 tỷ đồng. Chỉ tính đơn giản trong một năm cộng lãi suất đã lên tới khoảng 84 tỷ đồng. Thậm chí nếu kéo dài thời gian, thiết bị sẽ xuống cấp, lao động không có việc làm, nợ bảo hiểm… Do đó, theo ông Tịnh, giữa chủ đầu tư, nhà thầu và các cổ đông cần có thiện chí ngồi lại cùng ngân hàng bàn bạc, đưa ra phương án hợp lý nhất để sớm hoàn thiện đưa dự án vào sản xuất.
Cũng theo ông Tịnh, từ tháng 6/2013 đến nay dự án dừng chưa triển khai nên phát sinh nhiều khó khăn, ngân hàng nên chia sẻ với chủ đầu tư, như giảm lãi suất, hoặc khoanh nợ, đồng thời cho vay chủ đầu tư thêm để hoàn thiện dự án mới đem lại hiệu quả.