Sản phẩm phân khúc tầm trung, sản phẩm tiện lợi “lên ngôi”
Chia sẻ thông tin về thị trường châu Âu, châu Mỹ đến doanh nghiệp xuất khẩu tại Hội nghị kết nối xuất khẩu Đà Nẵng mới đây, ông Nguyễn Việt San – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) - cho biết, người tiêu dùng châu Âu, châu Mỹ (người tiêu dùng khu vực Âu Mỹ) đang ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tốt cho sức khỏe như rau quả nhiệt đới, thủy sản, các loại hạt khô. Đây là những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều vitamin, ít đường, ít béo, tăng tỷ lệ đạm thực vật, giảm đạm động vật.
Các loại hạt giàu dinh dưỡng, nhiều vitamin, ít béo được người tiêu dùng châu Âu, châu Mỹ lựa chọn |
Đáng chú ý, do ảnh hưởng kinh tế suy thoái, tỷ lệ lạm phát cao và xung đột địa chính trị, thị hiếu tiêu dùng tại phu vực Âu Mỹ đang có sự thay đổi đáng kể về phân khúc sản phẩm nhập khẩu. Thay vì tiêu dùng các sản phẩm cao cấp, người dân đang dần lựa chọn các sản phẩm phân khúc tầm trung, sản phẩm tiện lợi.
“Phân khúc tầm trung, sản phẩm tiện lợi đang “lên ngôi” tại thị trường Âu Mỹ. Sản phẩm tươi, sản phẩm có giá trị cao có xu hương giảm, trong khi sản phẩm có mức giá trung bình và các sản phẩm sơ chế, đông lạnh, dễ chế biến tại nhà và đóng hộp có nhu cầu tăng do tính tiện dụng và người dân cắt giảm chi tiêu”, ông Nguyễn Việt San nói và làm rõ thêm: “Ví dụ trước đây các mặt hàng như tôm sú cỡ to được ưa chuộng, nhưng hiện nay họ chuyển sang tôm sú cỡ nhỏ, trung bình, tôm thẻ … có mức giá phù hợp hơn”.
Các sản phẩm tiện lợi, sản phẩm phân khúc giá tầm trung đang được ưa chuộng tại thì trường châu Âu, châu Mỹ |
Doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý vấn đề giảm “dấu chân carbon”
Theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, đặc trưng của thị trường châu Âu, châu Mỹ luôn đòi hỏi rất khắt khe về các tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, các yêu cầu về bao gói và nhãn mác, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm biến đổi gen, thương mại công bằng, nguồn cung bền vững.
“Trong đó, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Âu Mỹ, đặc biệt là thị trường EU phải lưu ý đến vấn đề giảm “dấu chân carbon” trong quá trình sản xuất”.
Châu Âu đã thông qua cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Bản chất CBAM là việc đánh thuế carbon với tất cả các hàng hóa nhập khẩu vào EU dựa trên cường độ việc giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất tại nước sở tại. “Việc thực hiện CBAM sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt. Nếu không tự chuyển đổi doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị mất thị phần”, ông Nguyễn Việt San khuyến cáo.
Người dân Âu Mỹ còn ưu tiên lựa chọn sản phẩm theo thông tin nhãn mác. Trong đó, nhãn mác cho thực phẩm phải đảm bảo tính xác thực của thực phẩm (thực phẩm khớp với mô tả). Việc ghi nhãn được quy định để bảo vệ người tiêu dùng.
Người tiêu dùng Âu Mỹ cũng rất quan tâm đến tính bền vững, thương mại công bằng. Hiện nay, các tuyên bố và chứng nhận về tính bền vững là một trong những xu hướng chính trên thị trường phổ thông. Bên cạnh đó, phải tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và cải thiện sinh kế, điều kiện làm việc cho người lao động (tăng trách nhiệm cộng đồng của nhà sản xuất).
“Điển hình là chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn của EU. Người tiêu dùng châu Âu, châu Mỹ sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm cao hơn từ 20 – 50% cho những sản phẩm bảo vệ môi trường và có trách nhiệm xã hội, bền vững”, ông Nguyễn Việt San thông tin.
Các doanh nghiệp sản xuất phải lưu ý đến cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và quy định chống phá rừng (EUDR) |
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho rằng, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý các quy định mới của EU liên quan đến về “dấu chân carbon” (CBAM), quy định chống phá rừng (EUDR). “Đây là những điều mà các nhà quản lý doanh nghiệp hết sức phải lưu ý. Bởi nếu từ năm 2027, nếu không đáp ứng được những yêu cầu này thì hàng hóa vào thị trường EU sẽ rất khó khăn và sẽ khó cạnh tranh được với những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn”, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khuyến cáo.