Theo ông, tình trạng gian lận xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp PVTM đang ảnh hưởng tiêu cực như thế nào tới hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam?
Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan hệ thương mại, xuất khẩu với nhiều thị trường được mở rộng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, xung đột thương mại của các nền kinh tế lớn gia tăng, các biện pháp PVTM với mức thuế cao được các quốc gia áp dụng đã làm gia tăng nhiều nguy cơ gian lận xuất xứ. Trong đó, một số doanh nghiệp (DN) cá biệt đã lợi dụng, sử dụng hành vi gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh các biện pháp PVTM áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu vào nước thứ 3. Việc gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp từ các quốc gia khác qua Việt Nam để xuất khẩu đã làm tăng chi phí và nguồn lực rất lớn của các DN làm ăn chân chính. Đồng thời, làm mất uy tín, tạo ra nguy cơ cản trở hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện ra sao, thưa ông?
Hiện, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai một số nhóm giải pháp cụ thể. Thứ nhất, đó là xây dựng danh sách nhóm các mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ, danh sách này được xây dựng trên cơ sở phối hợp thông tin giữa các bộ, ngành và các cơ quan chức năng ở nước ngoài cung cấp. Thông tin này cũng được cập nhật và thông báo đến các cơ quan quản lý liên quan ở Trung ương và địa phương. Thứ hai, là tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, xác minh nguồn gốc xuất xứ. Như, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Công Thương đã tăng cường tổ chức đoàn kiểm tra làm việc, xác minh đối với các trường hợp nghi ngờ về gian lận xuất xứ. Thứ ba, là phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài để xác minh thông tin nhằm ngăn chặn trước các hành vi gian lận xuất xứ. Công việc này đang được các cơ quan thẩm quyền nước ngoài đánh giá rất cao. Thứ tư, là cố gắng truyền đạt, cung cấp thông tin cho các DN, để đảm bảo sự tuân thủ, đáp ứng đúng nguồn gốc xuất xứ, không tiếp tay cho gian lận xuất xứ.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư quy định tạm ngừng kinh doanh chuyển tải gỗ gián qua thị trường Hoa Kỳ, tạm ngừng tạm nhập tái xuất phế liệu. Ngoài ra, đang đề xuất sửa đổi Nghị định 127 quy định xử phạt về gian lận xuất xứ để có chế tài xử phạt cao hơn đối với hành vi gian lận xuất xứ. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại các khuôn khổ pháp lý để có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn và có chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Việc tham gia các FTA được cảnh báo là hàng hóa Việt Nam sẽ phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trước hàng nhập khẩu. Cục PVTM có những biện pháp nào để hỗ trợ, bảo vệ hàng hóa của DN sản xuất trong nước?
Các công cụ, chính sách về PVTM được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên áp dụng để bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ này phải tuân theo một quy trình với các bước cụ thể. Hiện nay, chúng ta đã có Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 10/2018 quy định chi tiết quản lý ngoại thương về PVTM. Bộ Công Thương, cụ thể là Cục PVTM luôn quan tâm, cố gắng bảo vệ lợi ích của các DN, các ngành sản xuất trong nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, pháp luật trong nước. Trong đó, Cục PVTM thường xuyên tổ chức các buổi cung cấp thông tin cho DN về các bước mà chúng ta cần tiến hành về điều tra PVTM; tích cực trao đổi thông tin với các Hiệp hội, DN để hướng dẫn cách thức tuân thủ trong quy trình điều tra về PVTM. Đến nay, chúng ta đã tiến hành một số biện pháp PVTM đối với mặt hàng thép và tiến hành điều tra đối với một số mặt hàng khác liên quan để bảo vệ hàng sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu vào Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!