Quy định trên thế giới về việc không lái xe khi uống rượu bia Không chấp nhận “sống chung” với tình trạng lái xe khi đã uống rượu, bia |
Những ngày cuối năm, Hà Nội đang vào đông, trên các con phố luôn tấp nập người hẹn hò, gặp gỡ giao lưu... Thế nhưng, có một điều mới mẻ, người dân nếu đã uống rượu bia thì đa phần chọn đi lại bằng taxi, bằng xe buýt, xe ôm, thậm chí là cả đi bộ… về nhà, có ý thức chấp hành nghiêm quy định "đã uống rượu bia, không lái xe".
Hình thành thói quen "đã uống rượu bia, không lái xe" |
Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2022 và từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã tập trung xử lý kiên quyết, không có vùng cấm, không ngoại lệ, không có ngày nghỉ đối với vi phạm này".
Kết quả, sau 11 tháng đầu năm 2023 đã xử lý 696.264 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chiếm 23% so với tổng số vi phạm trật tự an toàn giao thông, trung bình 1 ngày xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, xảy ra 222 vụ tai nạn giao thông nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, làm chết 99 người, bị thương 168 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 77 vụ (-25,8%), giảm 99 người chết (-50%), giảm 49 người bị thương (-22,6%).
Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền Điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông |
Với kết quả trên, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền Điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nhận định, kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn được nhiều báo, đài, mạng xã hội đưa tin và được quần chúng nhân dân ủng hộ, câu chuyện về "xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã đi vào bữa cơm của từng gia đình", mọi người trong gia đình, bạn bè nhắc nhở nhau “đã uống rượu bia thì không lái xe". Qua đó sẽ dần hình thành thói quen, văn hóa tham gia giao thông của người dân "không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia".
Ngoài ra việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn còn giúp hạn chế xảy ra các vụ việc cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, giúp xã hội an bình hơn.
Tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP. Hà Nội xử lý nồng độ cồn tại đường Trần Nhật Duật |
Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận nêu trên, còn phải kể đến một kết quả khác có tính bền vững, rất quan trọng. Đó là trong cộng đồng xã hội đã dần hình thành một thói quen, một nét văn hóa mà chúng ta đã tuyên truyền, vận động và hướng tới từ lâu nay: "Đã uống rượu bia - không lái xe".
Thói quen ấy đã hình thành, được khẳng định và dần lan tỏa ngày một rõ nét. Đó cũng là kết quả quan trọng nhất đạt được thông qua việc nhắc nhở, kiểm tra và xử phạt một cách nghiêm túc người tham gia giao thông có hành vi vi phạm về nồng độ cồn.
Dễ thấy nhất là thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội đã triển khai 14 tổ công tác xử lý vi phạm chéo địa bàn. Các tổ làm việc vào nhiều khung giờ, trong đó trọng tâm là từ 22h hôm trước đến 3h sáng hôm sau.
Theo Đại úy Lưu Hoàng Quân - cán bộ Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, hiện nay các vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã giảm đáng kể, đặc biệt người điều khiển ô tô vi phạm nồng cồn rất ít, tuy nhiên việc xử lý các vi phạm này cũng gặp nhiều khó khăn.
"Khó khăn trong việc xử lý các vi phạm về nồng độ cồn phổ biến nhất là việc chống người thi hành công vụ cũng như lợi dụng các mối quan hệ để gây áp lực. Nhưng với sự cương quyết của lực lượng chức năng, sự tuần tra kiểm soát xuyên suốt liên tục về hành vi vi phạm nồng độ cồn, từ đầu năm đến nay các vi phạm trên địa bàn đã giảm rất nhiều. Buổi tối hầu như rất ít có trường hợp người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn, qua đó các vụ tai nạn xảy ra do sử dụng rượu bia giảm hẳn và số người thương vong cũng ít hẳn", Đại úy Lưu Hoàng Quân nói.
Tổ công tác Y10/141 làm nhiệm vụ trên đường Giải Phóng - Đại Cồ Việt |
"Đã uống rượu bia thì không lái xe" đây không còn là thông điệp mà nó đã trở thành thói quen, nét văn hóa mới trong sử dụng phương tiện và tham gia giao thông. Anh Lê Văn Trí (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời gian qua, qua theo dõi thực tế tôi thấy việc xử lý quyết liệt nồng độ cồn được các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ và nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người dân.
"Hàng ngày, trên các tuyến phố của Thủ đô, nhất là vào thời điểm sau bữa tối, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã phân luồng, lập các chốt đo nồng độ cồn. Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn không chỉ góp phần đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tai nạn mà còn giúp xã hội phòng ngừa những hành vi phạm tội bộc phát uống rượu bia gây ra", anh Trí chia sẻ và khẳng định, hiệu quả của việc xử lý nghiêm nồng độ cồn không chỉ góp phần giúp người dân sống trong bình yên, an toàn, bớt đi nỗi lo mỗi khi ra đường, mà còn giúp các gia đình sống hạnh phúc hơn, xóm làng bình yên hơn...
Và có lẽ, chia sẻ của anh Trí cũng là quan điểm của nhiều người dân khác với chung một nguyện vọng, các lực lượng chức năng tiếp tục duy trì nghiêm việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn để hạn chế, ngăn chặn hiệu quả tai nạn giao thông và góp phần đảm bảo an toàn cho xã hội.