Xử lý tài sản bảo đảm - “Ngáng chân” giảm nợ xấu
Xử lý tài sản bảo đảm tại ngân hàng còn nhiều khó khăn |
Tài sản bảo đảm “đắp chiếu” chờ xử lý
Thông tin từ Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cho biết, từ 1/1 đến 18/10/2015, VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB) để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) được 13.065 khoản nợ của 39 TCTD, tương ứng với 91.963 tỷ đồng dư nợ gốc, giá mua là 82.681 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2013 đến 30/9/2015, VAMC đã phát hành 191.333 tỷ đồng giá trị TPĐB mua nợ xấu với giá trị dư nợ gốc 225.518 tỷ đồng.
Cùng với việc mua nợ xấu bằng TPBĐ, công ty đã thực hiện thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản bảo đảm đạt 15.669 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng- Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC- thừa nhận: So với thực trạng nợ xấu, tốc độ xử lý nợ xấu của VAMC chậm, kết quả bán nợ, tài sản bảo đảm còn khiêm tốn. Nguyên nhân là việc phát mại tài sản phải thông qua đấu giá, mất nhiều thời gian với thủ tục phức tạp. Trường hợp giá trị thu hồi sau khi bán tài sản thấp hơn giá trị khoản nợ, khách hàng sẽ không còn nguồn lực để tiếp tục trả nợ TCTD. Vì vậy, khách hàng thường không chấp nhận định giá tài sản theo mức giá thị trường mà luôn yêu cầu phải đủ trả nợ gốc và lãi.
Đặc biệt, VAMC không có nhiều vai trò định đoạt tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu đã mua.Đồng quan điểm này, TS. Trương Văn Phước- Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia- cho rằng, tiến độ xử lý nợ xấu hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm. Trong đó, phải kể đến những quy định về thu giữ tài sản bảo đảm để phát mại hay xác định giá khởi điểm khi phát mại.
Giải pháp cụ thể
Để tăng cường hiệu quả xử lý nợ xấu, cần tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo môi trường cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tín dụng tăng hợp lý, tạo lợi nhuận cho hệ thống TCTD, tăng nguồn xử lý nợ xấu. Theo TS. Trương Văn Phước, cần phải lưu động vốn nhanh từ tài sản thế chấp để trả lại thị trường một nguồn vốn đang bị đọng do nợ xấu. Hiện nay, thị trường mua bán nợ Việt Nam chưa phát triển, chưa có cơ chế định giá nhanh, chưa hình thành được thị trường mua bán nợ thứ cấp. Do đó, chưa tận dụng được nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, thủ tục xử lý tài sản thế chấp còn nhiều phức tạp, qua nhiều khâu xử lý và kéo dài. “Việc xử lý tài sản bảo đảm càng lâu thì càng ảnh hưởng tiêu cực tới nợ xấu, phát sinh tăng chi phí hoạt động trong quá trình xử lý nợ”- ông Phước nhấn mạnh. Vị chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đề xuất: Ngoài các biện pháp áp dụng các chính sách tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững, còn cần phải tạo tính thanh khoản cao hơn cho việc xử lý các tài sản đảm bảo, đặc biệt là bất động sản.
Do đó cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật xử lý tài sản đảm bảo, cơ chế cấn trừ nợ, xiết nợ, thủ tục thi hành án. Ngoài ra, cho phép các TCTD được quyền bán đấu giá mà không cần thông qua thủ tục phá sản, xử lý tài sản đảm bảo phức tạp, rườm rà và nhiều công đoạn; xây dựng cơ chế định giá nhanh để tăng thanh khoản. Đặc biệt, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý mua bán nợ, tận dụng vốn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước mua bán theo giá thị trường cho các tài sản đảm bảo cũng như hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ thứ cấp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng- Chủ tịch VAMC: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị định 53/2013/NĐ-CP, Nghị định 34/2015/NĐ-CP và hỗ trợ VAMC trong quá trình xử lý nợ, đặc biệt trong việc thu giữ, xử lý và chuyển nhượng tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. |