Quy định nồng độ cồn tuyệt đối là cần thiết Đại biểu Quốc hội ủng hộ quan điểm đã lái xe là không có nồng độ cồn |
Kể từ khi Nghị định 100/2019/NÐ-CP có hiệu lực thi hành, cùng kế hoạch tổng kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn triển khai toàn diện trên phạm vi cả nước đã mang lại hiệu ứng tích cực, được ví như "cú đấm thép" nhằm loại trừ tình trạng say xỉn mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vấn đề gây nhức nhối trong xã hội thời gian dài vừa qua.
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông |
Chế tài mạnh, xử lý nghiêm
Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông. Đáng chú ý, Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng.
Người điều khiển xe mô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển xe mô tô. Một điểm mới nữa được quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP là đi xe đạp uống rượu, bia cũng bị xử phạt. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm như trên sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, việc ngăn chặn người tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn để kéo giảm tai nạn luôn là ưu tiên hàng đầu trong vấn đề xử phạt vi phạm giao thông của lực lượng công an. Vấn đề này nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của dư luận xã hội.
Theo đó, Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý các trường hợp người điều khiển xe mô tô, ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên các tuyến giao thông đường bộ.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trong 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý hơn 500.000 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Hiện nay, công an một số tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ kiểm tra vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung vào kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, gồm nhiều lực lượng như: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy và công an cấp huyện, bố trí kiểm tra chéo, xử lý vi phạm với tinh thần "không có ngoại lệ", "không có vùng cấm".
Cùng đó, công an các tỉnh, thành phố cũng đã tham mưu cho chính quyền địa phương có những chỉ đạo kịp thời về không can thiệp vào công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm, nhất là vi phạm nồng độ cồn.
Vì sự an toàn của cộng đồng
Thực tế cho thấy, bóng dáng "ma men" sau tay lái vẫn quẩn quanh, đe dọa sự bình yên trên mỗi con đường. Đặc biệt, mỗi khi Tết đến Xuân về lại có hàng trăm lý do để nhiều người chúc tụng, mời mọc nhau uống rượu bia, thậm chí uống đến say xỉn. Đa số người dân đã nâng cao ý thức, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã có cồn trong máu. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít người "cố" trên bàn nhậu rồi lại cố cầm tay lái. Hậu quả của những chén rượu cố ấy là không ít vụ tai nạn nghiêm trọng, khiến nhiều người tử vong, hoặc thương tật vĩnh viễn, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt hành chính đối với vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông tăng cao kịch trần, phần lớn người dân đã biết sợ, biết từ chối chén rượu cốc bia trên bàn tiệc. Thực tế đó cho thấy, việc giáo dục, tuyên truyền văn hóa giao thông, đi kèm với xử phạt nghiêm có tác dụng rất mạnh mẽ.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong dự luật này là quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng quy định này góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen "đã uống rượu, bia thì không lái xe".
TS. Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia giao thông |
Cũng liên quan đến vấn đề này TS. Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia giao thông cho rằng: "Việc cấm lái xe khi trong máu có nồng độ cồn, dù thấp là một quy định nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người tham gia giao thông. Cồn có tác động tiêu cực đến khả năng lái xe của con người".
Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, cồn làm giảm khả năng phán đoán và xử lý tình huống, giảm khả năng tập trung, suy giảm khả năng đánh giá tình huống và ra quyết định nhanh chóng, chính xác. Người lái xe dưới tác động của cồn thường có xu hướng chủ quan, dễ mắc sai lầm, dẫn đến những tình huống nguy hiểm khi tham gia giao thông. Giảm khả năng phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, khiến người lái xe khó điều khiển phương tiện một cách chính xác và an toàn. Giảm khả năng phản xạ của người lái xe, khiến họ khó xử lý kịp thời các tình huống bất ngờ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngay cả khi nồng độ cồn trong máu chỉ ở mức thấp, người lái xe vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực của cồn, dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ (NHTSA), lái xe dưới tác động của cồn là nguyên nhân gây ra khoảng 30% số vụ tai nạn giao thông tử vong ở Mỹ.
Tại Việt Nam, theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 9 tháng đầu năm 2023, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn đã giảm sâu so với các năm trước. Việc cấm lái xe khi trong máu có nồng độ cồn, dù thấp là một biện pháp quan trọng nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu, bia gây ra.
"Quy định này cần được nghiêm túc thực hiện để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người tham gia giao thông. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng quy định cấm tuyệt đối lái xe khi trong máu có nồng độ cồn là chưa thực tế, bởi khó có thể kiểm soát được tất cả các trường hợp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, quy định này có ý nghĩa là một ranh giới rõ ràng, giúp Cảnh sát giao thông dễ dàng phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Quy định này cũng giúp nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc lái xe dưới tác động của cồn", TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.