CôngThương - Raj Rajaratnam là ai? Mánh khóe nào đã giúp ông nhanh chóng đứng đầu một tài sản đồ sộ 1,8 tỷ USD (theo tạp chí Forbes) và làm chủ quỹ đầu tư Galleon mà có lúc trị giá chứng khoán đã lên tới 7 tỷ USD? Tại sao vụ án Galleon lại gây chấn động trong giới tài chính không chỉ ở Mỹ?
Tỷ phú Mỹ Raj Rajaratnam, 53 tuổi là người gốc Sri Lanka. Tốt nghiệp Trường Đại học Wharton, bang Pennsylvania. Rajaratnam đã xây dựng toàn bộ sự nghiệp trong ngành tài chính, ngân hàng.
Năm 1996 ông thành lập quỹ đầu tư Galleon chuyên đầu tư vào cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ cao như Google, Intel, AMD... Tới nay Galleon đã lập thêm nhiều chi nhánh tại New York, California, Trung Quốc, Đài Loan và Ấn Độ.
Biện lý tòa án Manhattan là ông Preet Bharara -người luôn chủ trương vụ án Galleon phải được xử một cách nghiêm khắc để làm gương cho các tập đoàn mua bán thông tin tài chính trái phép khác - cũng phải nhìn nhận: “Rajaratnam là một trong những nhà kinh doanh chứng khoán sáng giá nhất, chuyên nghiệp nhất, có nhiều bằng cấp nhất, thành công nhất và được ưu đãi nhất” của nước Mỹ. Chẳng thế mà ông đã nhanh chóng “ lập nên cơ đồ”.
Theo tiết lộ của báo chí quỹ đầu tư Galleon đã nhanh chóng nổi lên nhờ chiến lược “thu thập thông tin độc quyền» qua các mối “quan hệ” với một số nhân viên cao cấp của những tập đoàn tham gia thị trường chứng khoán như hãng tin học IBM, Intel Capital, cơ quan Tư vấn quản trị McKinsey,...
Galleon đã “moi” được một số những thông tin có thể khiến giá cổ phiếu của các tập đoàn tham gia sàn chứng khoán NYSE lên xuống bất chừng. Đó là những thông tin mật mà chỉ được biết trong nội bộ của các tập đoàn lớn. Galleon nhờ biết trước được những thông tin đó nên đã bán hoặc mua cổ phiếu của các tập đoàn này trước hết tất cả mọi người để kiếm lời.
Cụ thể Tư pháp Hoa Kỳ chú ý đến nhân vật Anil Kumar, một chuyên gia tư vấn cho tập đoàn McKinsey. Kumar đã tuồn tin cho Raj Rajaratnam về một khách hàng quan trọng của mình là tập đoàn bán dẫn AMD: AMD đang chuẩn bị mua lại ATI Technologie Inc.
Biết được điều đó, Galleon dồn vốn mua cổ phiếu của ATI. Đợi đến lúc thông tin AMD và ATI sáp nhập lại với nhau, giá cổ phiếu của ATI tăng vọt, Galleon bán lại cổ phiếu của ATI “đúng lúc” và đã thu về được 23 triệu USD tiền lời.
Bản cáo trạng của tòa án Manhattan ghi rõ: Tương tự như với trường hợp của ATI, tập đoàn Galleon do ông Raj Rajaratnam làm chủ đã “khai thác thông tin nội gián” kiểu này với nhiều tập đoàn tên tuổi khác như Google, Sun, hay là ngay cả đối với hệ thống khách sạn Hilton. Nhờ những rò rỉ thông tin như trên mà Galleon đã kiếm lời hàng chục triệu USD (khoảng từ 45 triệu đến 63 triệu USD trong vòng từ năm 2003 đến 2009) và nhất là tránh khỏi những khoản thua lỗ vô cùng to lớn.
Theo giới điều tra, trong số những “nguồn” cung cấp thông tin nội gián cho chủ nhân tập đoàn Galleon, có những nhân vật “nặng ký” như một thành viên ban quản trị ngân hàng Goldman&Sachs, một vị lãnh đạo cao cấp khác của cơ quan thẩm định tài chính Moody’s. Thậm chí Cục Điều tra Liên bang (FBI) còn chĩa mũi vào Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn Goldman&Sachs, Lloyd Blankfein.
Galleon đã trong tầm ngắm của Ủy ban Tài chính Mỹ SEC từ năm 2007, tức là trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ngày 16/10/2009 nhà tỷ phú Raj Rajaratnam bị bắt với lý do thao túng thị trường tài chính, “khai thác thông tin mật” để tiến hành các khoản giao dịch chứng khoán bất hợp pháp từ năm 2003 đến 2009. Phiên xử đầu tiên đã mở ra hôm 8/3/11. Nhưng mãi tới ngày 11/5, tòa án Manhattan, New York mới chính thức tuyên xử ông này với 14 tội danh. Tư pháp Mỹ sẽ ra phán quyết về trường hợp của nhà tỷ phú Raj Rajaratnam vào ngày 29/7/2011.