Hướng dẫn thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mức lương cơ sở mới Xây dựng nhiều “kịch bản” phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội |
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa có Công văn số 2155/BHXH-TTKT gửi Giám đốc Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp |
Theo nội dung Công văn số 2155/BHXH-TTKT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua cơ quan này đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, chấn chỉnh bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Từ đó, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nhiều hành vi vi phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời; nhiều nội dung vướng mắc đã được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giải quyết hoặc tổng hợp, báo cáo, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. "Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất hiện một số vụ việc vi phạm phức tạp, có tính chất hệ thống nhằm mục đích trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã và đang được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật" - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông tin.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng ngừa, ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu Giám đốc Bảo hiểm Xã hội các tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Việt Nam đã ban hành.
Đồng thời khẩn trương thực hiện ngay một số nội dung, như: Kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thường xuyên cập nhật, cảnh giác và có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp; đồng thời xử lý nghiêm đối với tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).
Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Qua đó, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, lập hồ sơ kiến nghị khởi tổ đến cơ quan có thẩm quyền theo hướng dẫn tại Công văn số 239/BHXH-PC ngày 22/01/2020 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc hướng dẫn tiếp nhận, xử lý thông tin: Lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố.
Đặc biệt, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu tăng cường khai thác kết quả phân tích dữ liệu của Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, đánh giá, lựa chọn, chỉ rõ các cơ sở khám chữa bệnh có tình trạng gia tăng chi phí bất thường; tăng chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, gia tăng bất thường tỷ lệ chỉ định vào điều trị nội trú (so sánh với tỷ lệ vào viện bình quân chung trên địa bàn tỉnh hoặc các bệnh viện tương đương cùng mô hình, cùng hạng, cùng tuyến trên phạm vi toàn quốc); có ngày điều trị nội trú kéo dài không hợp lý; có hiện tượng thu gom người bệnh; sử dụng thuốc, vật tư y tế có giá trúng thầu cao so với địa phương khác cùng thời điểm... để tổ chức kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm Xã hội các địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình, chỉ đạo thực hiện kiểm tra, đối soát các trường hợp bất thường, rủi ro về hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để kịp thời phát hiện các trường hợp lập hồ sơ giả, khống nhằm trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Báo cáo, tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ban hành văn bản chấn chỉnh các đơn vị để tình trạng chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế kéo dài, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.