Xuất khẩu cà phê: “Cú huých” từ EVFTA
Với cú huých của Hiệp định EVFTA, mặt hàng cà phê Việt Nam có thể gia tăng giá trị vào thị trường EU trong thời gian tới do cà phê Việt Nam XK sang EU được hưởng thuế suất bằng 0%. Mặt khác, trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi, có cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên - Trưởng bộ môn Thị trường Ngành hàng (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) - đánh giá, Hiệp định EVFTA sẽ có tác động nhiều đến XK mặt hàng cà phê tan của Việt Nam sang các nước EU do thuế quan được cắt giảm từ 15% xuống 0%. Đây là cơ hội để phát triển chế biến sâu và chế biến tinh cà phê. Qua đó, nâng cao giá trị gia tăng và giảm phụ thuộc vào biến động giá cà phê nhân trong bối cảnh giá cà phê nhân toàn cầu giảm do tình trạng dư cung.
Trên thực tế, để tận dụng cơ hội này, nhiều DN trong và ngoài nước đã và đang đầu tư mở rộng quy mô sản xuất cà phê chế biến. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Kiên cũng lưu ý, hiện, cơ cấu giá trị XK mặt hàng này sang các nước EU dù tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ. Việt Nam chủ yếu XK cà phê chưa rang, chưa khử caffein.
Số liệu của Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho thấy, dù lượng cà phê Việt Nam XK sang EU khá lớn, chiếm trên 8,5% tổng lượng cà phê nhập khẩu của thị trường này, song tỷ lệ cà phê chế biến còn thấp, chỉ 5 - 7% lượng cà phê Việt Nam XK. Năm 2020, EU dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 2 triệu bao cà phê, đạt mức 49,5 triệu bao cà phê, chiếm gần 45% lượng nhập khẩu cà phê hạt của toàn thế giới. Điều đó cho thấy, thị trường EU đang phát triển ổn định với tiềm năng to lớn đối với cà phê Việt Nam.
Ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng Thư ký Vicofa: Việc tăng tỷ trọng cà phê chế biến sẽ nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam, đồng thời, giảm bớt ảnh hưởng bởi biến động giá trên thị trường kỳ hạn quốc tế, vốn là các sàn giao dịch chính cho thương mại cà phê. |