Cơ hội lịch sử cho quan hệ Việt Nam - Peru
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile Gabriel Boric Font và Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile, Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 từ ngày 09 đến ngày 16/11/2024.
Với Peru, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Lương Cường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, diễn ra trùng khớp vào dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Peru kể từ khi hai nước chính thức thiết lập ngày 14/11/1994.
Trước thềm chuyến thăm, chia sẻ với báo chí về ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của chuyến công tác, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhận định, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam. Do vậy, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ là dấu mốc lịch sử, góp phần củng cố nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, và hướng tới đưa quan hệ lên một tầm cao mới.
Chủ tịch nước Lương Cường sẽ thăm chính thức Chile, Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 từ ngày 9 đến ngày 16/11/2024. Ảnh: baoquocte.vn |
Đại sứ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru Bùi Văn Nghị thì cho rằng, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Lương Cường tới Peru là một cơ hội lịch sử, một động lực để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
“Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Lương Cường đến Peru nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, quan hệ đối ngoai, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương, thể hiện chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy quan hệ với Peru tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả” - Đại sứ Bùi Văn Nghị nhấn mạnh.
Cầu nối hợp tác và liên kết giữa ASEAN với các nước Mỹ Latinh
Số liệu thống kê của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cũng cho biết, quan hệ thương mại Việt Nam - Peru đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Chỉ trong vòng 8 năm, từ năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi từ 300 triệu USD lên mức 600 triệu USD năm 2022.
Với những số liệu trên, Peru hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Mặc dù vậy, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, kim ngạch thương mại song phương đã bị tác động mạnh mẽ đáng kể.
Năm 2023, trao đổi thương mại hai chiều của hai nước chỉ đạt 486 triệu USD, giảm 19% so với năm 2022, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Peru 439 triệu USD, giảm 17,3%; nhập khẩu từ Peru đạt 47 triệu USD, giảm 32,3%.
8 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 350,67 triệu USD, giảm 1,1%. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Peru đạt 303,24 triệu USD, giảm 5,1%; nhập khẩu từ Peru đạt 47,3 triệu USD tăng 35,3%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Peru bao gồm điện thoại và linh kiện điện tử, máy vi tính và sản phẩm điện tử, hàng dệt may và thủy sản... Ảnh minh họa |
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Peru bao gồm điện thoại và linh kiện điện tử, máy vi tính và sản phẩm điện tử, giày dép các loại, clanke và xi măng, chất dẻo nguyên liệu, hàng dệt may và thủy sản... Trong khi Peru xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng bột cá, quặng antinmon và tinh quặng, khoáng sản...
Cũng theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, thời gian qua, quan hệ thương mại hai nước được củng cố thông qua cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Peru về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật. Đây là cơ chế hợp tác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư song phương hai nước lên một tầm cao mới.
Mới đây nhất, trong buổi tiếp và làm việc với Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Peru Eric Anderson diễn ra hồi tháng 8/2024, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì triển khai hiệu quả cơ chế hợp tác này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đề nghị hai bên thường xuyên rà soát các nội dung hợp tác cụ thể, cũng như xác định các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư song phương.
Đáng chú ý, theo Đại sứ Bùi Văn Nghị, việc Việt Nam và Peru đều là thành viên APEC và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra nhiều cơ hội cho việc thúc đẩy hợp tác và liên kết giữa ASEAN với các nước Mỹ Latinh.
Gần 30 năm gia nhập ASEAN (28/7/1995 -28/7/2024), Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của hiệp hội, nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài.
Hơn 5 năm gia nhập CPTPP (14/1/2019-14/1/2024), Việt Nam là một trong những nước sáng lập và tham gia tích cực vào CPTPP, cho thấy cam kết mạnh mẽ đối với hội nhập kinh tế quốc tế. CPTPP cũng thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ đến giáo dục và phát triển bền vững. Việt Nam đã khẳng định vai trò của mình trong các diễn đàn quốc tế, trở thành cầu nối giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.
Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa ASEAN và các nước Mỹ Latinh, giúp tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa hai khu vực, đặc biệt là với Peru, một quốc gia vốn có nhiều điểm tương đồng về phát triển kinh tế, địa lý đa dạng, văn hoá phong phú, và nỗ lực cam kết phát triển bền vững. Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu với các nước Mỹ Latinh, góp phần tạo dựng mối quan hệ hợp tác, bền vững, thực chất và hiệu quả.
Hiệp định CPTPP thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên trong khối, trong đó có thị trường Peru |
Với sự tham gia của cả Việt Nam và Peru trong CPTPP, hai nước có thể khai thác lợi thế từ Hiệp định để thúc đẩy thương mại song phương và mở rộng thị trường cho các sản phẩm của nhau. Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong việc ký kết các hiệp định thương mại với các nước Mỹ Latinh.
Thời gian gần đây, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đang không ngừng được phát triển và mở rộng. Bằng chứng là, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp rưỡi, từ mức 14,2 tỷ USD của năm 2018 lên mức 20,6 tỷ USD năm 2023.
Bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực như Brazil, Mexico, Argentina, Chile, nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Qua đó, Việt Nam có thể khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Mỹ Latinh, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Mỹ Latinh, đặc biệt là Peru, tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Cơ hội mới cho ngành logistics Việt Nam
Nhận định về dư địa hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng, mặc dù trao đổi thương mại gặp nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, song Việt Nam và Peru vẫn có nhiều dư địa nâng cao kim ngạch thương mại khi cả hai nước đều là thành viên của Hiệp CPTPP với nhiều cam kết ưu đãi trong những lĩnh vực, ngành hàng khác nhau.
Chưa kể, hiện tại Peru đang triển khai xây dựng siêu cảng Chancay toạ lạc ở phía Bắc thủ đô Lima, nằm dọc theo bờ biển Thái Bình Dương, một vị trí chiến lược vô cùng thuận lợi cho việc kết nối thương mại quốc tế. Việc khởi công xây dựng siêu cảng được thực hiện vào năm 2020 và dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Thông qua siêu cảng Chancay, các doanh nghiệp Việt có thể tối ưu hóa thời gian và chi phí vận chuyển. Ảnh: TTXVN |
Chia sẻ về lợi thế của siêu cảng Chancay đối với hoạt động giao thương giữa Việt Nam - Peru và các đối tác, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng, thông qua siêu cảng Chancay, các doanh nghiệp Việt có thể tối ưu hóa thời gian và chi phí vận chuyển. Dự tính Chancay có thể giúp giảm tới 30%, thậm chí 50% thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến Mỹ Latinh, điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí logistics lên đến 20% so với các tuyến vận chuyển truyền thống.
“Việt Nam có thể tận dụng cảng này để xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh như may mặc, điện tử, nông sản (gạo, cà phê) sang các nước Mỹ Latinh. Ngược lại, Việt Nam cũng có thể nhập khẩu các nguyên liệu khoáng sản, nông sản và dầu khí từ Mỹ Latinh với chi phí hợp lý hơn” - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ thông tin và nhận định, siêu cảng Chancay còn mở ra cơ hội mới đối với ngành logistics tại Việt Nam. Với việc tăng cường kết nối vận tải biển và khả năng giao thương giữa hai khu vực, các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác từ Mỹ Latinh để thiết lập các tuyến vận tải biển mới, mở ra các cơ hội đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ logistics.
Dù đang có nhiều thuận lợi, tuy nhiên Thương vụ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru chỉ ra một số thách thức để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Peru, như: Khoảng cách địa lý, sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả từ các quốc gia xuất khẩu khác; các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội phần nào còn chủ quan, chưa thật sự chủ động và quyết liệt trong công tác mở rộng thị trường...
Vì vậy, để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Peru, Thương vụ cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trực tiếp tại các hội chợ, trung tâm triển lãm; kết hợp quảng bá các sản phẩm hàng hóa và đất nước con người Việt trên các kênh truyền thông của quốc gia này.
Bên cạnh đó, hai bên cũng cần đẩy mạnh phát triển mảng logistics, nâng cao năng lực logistics Việt Nam, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong xuất khẩu.
“Peru là thị trường mở, rất tiềm năng, khả năng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam rất tốt, người dân địa phương rất hoan nghênh hàng hóa nhập khẩu nếu chất lượng tốt... Các doanh nghiệp nên có nhiều chương trình xúc tiến và giới thiệu sản phẩm tại Peru”- Thương vụ khuyến nghị và lưu ý, hai bên cần tích cực phổ biến cho doanh nghiệp hai nước thông tin thị trường của nhau để tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định CPTPP.